Uống cà phê khi đói: Lợi và hại cần cân nhắc

13-05-2025 09:26:57

Cà phê là một đồ uống quen thuộc mỗi sáng, không chỉ giúp tỉnh táo mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, việc thưởng thức cà phê khi bụng đói có thể gây ra những tác động khác nhau tùy thuộc vào cơ địa mỗi người.

Đối với nhiều người, một tách cà phê vào buổi sáng là thói quen không thể thiếu để khởi động ngày mới, thậm chí, nhiều người còn uống cà phê khi đói. Caffeine, thành phần chính trong cà phê, được biết đến với khả năng kích thích hệ thần kinh trung ương, giúp tăng cường sự tỉnh táo, cải thiện sự tập trung và giảm cảm giác mệt mỏi.

Theo Tiến sĩ Edwina Raj, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Chế độ ăn kiêng tại Bệnh viện Aster CMI, Bangalore (Ấn Độ), nhiều người tìm đến cà phê vào buổi sáng để nâng cao hiệu suất làm việc và cải thiện tâm trạng. Đặc biệt, những người đam mê thể dục cũng thường sử dụng cà phê trước khi tập luyện để tăng cường sức bền và hiệu quả.

1. Lợi ích sức khỏe của cà phê

Uống cà phê khi đói: Lợi và hại cần cân nhắc- Ảnh 1.

Uống cà phê đúng cách có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Ngoài tác dụng kích thích thần kinh, cà phê còn được chứng minh mang lại một số lợi ích sức khỏe đáng chú ý:

  • Giàu chất chống oxy hóa: Cà phê chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ như acid chlorogenic, melanoidin, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do các gốc tự do gây ra, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, ung thư và Alzheimer.
  • Cải thiện chức năng não bộ: Caffeine không chỉ giúp tỉnh táo mà còn có thể cải thiện trí nhớ, khả năng tập trung và các chức năng nhận thức khác.
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cà phê thường xuyên và giảm nguy cơ phát triển bệnh Parkinson.
  • Bảo vệ gan: Một số nghiên cứu gợi ý rằng uống cà phê có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về gan, bao gồm xơ gan và ung thư gan.
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2: Các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc uống cà phê và giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2.

2. Uống cà phê khi đói có gây hại hay không?

Việc uống cà phê khi bụng đói là một thói quen phổ biến nhưng liệu nó có gây hại hay không vẫn là một câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy không có mối liên hệ đáng kể nào giữa việc tiêu thụ cà phê và sự hình thành loét dạ dày hoặc ruột. Tiến sĩ Kim Barrett, giáo sư về sinh lý học tại Đại học California (Hoa Kỳ) cũng cho rằng dạ dày của người khỏe mạnh có cơ chế tự bảo vệ niêm mạc khỏi môi trường acid.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Edwina Raj lưu ý rằng đối với những người có tiền sử các vấn đề về dạ dày như rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng, loét dạ dày hoặc hội chứng ruột kích thích, caffeine có thể kích thích sản xuất acid dạ dày, làm trầm trọng thêm các triệu chứng hiện có. Tiến sĩ Raj cũng cho biết cà phê có thể ảnh hưởng đến nhu động ruột, gây ra tình trạng ợ nóng và làm tăng huyết áp ở những người chuyển hóa caffeine chậm.

Ngoài những ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, một số người nhận thấy rằng uống cà phê khi đói sẽ dẫn đến cảm giác bồn chồn. Cà phê có thể gây ra một số cơn đau nhẹ hoặc khó chịu ở đường tiêu hóa đối với một số người, nhưng nhìn chung, việc uống một tách cà phê vào buổi sáng không nguy hiểm.

Mặt khác, Tiến sĩ Raj cũng chỉ ra rằng đối với một số người, đặc biệt là những người có khả năng chuyển hóa caffeine nhanh, việc uống cà phê khi đói có thể không gây hại nhiều. Thậm chí, tác động của caffeine có thể mạnh mẽ hơn và mang lại lợi ích chống oxy hóa đáng kể.

3. Lời khuyên từ chuyên gia

Uống cà phê khi đói: Lợi và hại cần cân nhắc- Ảnh 2.

Việc uống cà phê khi đói có thể gây ra những tác động khác nhau tùy vào cơ địa mỗi người.

Tiến sĩ Edwina Raj nhấn mạnh rằng không có một quy tắc chung nào áp dụng cho tất cả mọi người về việc uống cà phê vào buổi sáng. Tác động của cà phê khác nhau tùy thuộc vào cơ địa và khả năng chuyển hóa caffeine của mỗi người.

Tiến sĩ Edwina Raj lưu ý, nên lắng nghe cơ thể khi có thói quen tiêu thụ cà phê mỗi sáng. Nếu bạn cảm thấy khó chịu, đau bụng hoặc ợ nóng sau khi uống cà phê lúc bụng đói, hãy thử uống cà phê sau bữa ăn. Đối với những người có vấn đề về dạ dày, nên uống cà phê sau khi đã ăn sáng hoặc kèm với bữa ăn để giảm tác động trực tiếp của caffeine lên niêm mạc dạ dày.

Theo Tiến sĩ Edwina Raj, không nên để khoảng cách quá dài giữa thời điểm uống cà phê và bữa ăn đầu tiên trong ngày. Caffeine có thể tồn tại trong cơ thể và gây tác động trong nhiều giờ. Quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể và điều chỉnh thói quen uống cà phê sao cho phù hợp với thể trạng của bản thân.

Theo Sức khỏe và đời sống

TIN CÙNG THỂ LOẠI