Bài thuốc trị bướu giáp

30-12-2024 10:52:07

Bướu giáp (hay bướu cổ) là một bệnh lý phổ biến của tuyến giáp. Bên cạnh các phương pháp điều trị của y học hiện đại, một số bài thuốc Đông y cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị hiệu quả.

Theo Đông y, rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng bướu giáp như can đàm uất kết, can kinh hỏa vượng và khí âm lưỡng hư...

1. Bướu giáp do can đàm uất kết

Bướu giáp do can đàm uất kết thường có biểu hiện vùng cổ có bướu, mềm và không cứng, cảm giác tắc nghẽn ở họng. Bên cạnh đó là các dấu hiệu như tức ngực, tính tình dễ cáu gắt, hồi hộp mất ngủ, mắt lồi, mệt mỏi uể oải, thường thở dài, có thể kèm theo buồn nôn, đờm nhiều, đại tiện lỏng hoặc sau khi đi không thoải mái, phụ nữ kinh nguyệt không đều…

Can đàm uất kết gây bướu giáp là kết quả của tình trạng khí cơ uất trệ, tân dịch tụ lại sinh đàm, khí trệ đàm ngưng kết ở vùng cổ; tình chí uất ức lâu ngày hóa hỏa, làm tổn thương tâm âm dẫn đến hồi hộp, mất ngủ, dễ cáu gắt. Can khí không điều đạt ảnh hưởng đến tỳ, gây đàm thấp, đại tiện lỏng, mệt mỏi.

Phép trị: Để điều trị chứng này cần sơ can lý khí, nhuyễn kiên tán kết, có thể dùng bài 'Sài hồ sơ can tán' kết hợp cùng bài 'Ôn đởm thang'.

Thành phần: Sài hồ 6g, hoàng cầm 10g, uất kim 10g, hậu phác 10g, tô ngạnh 10g, thanh bì 10g, trần bì 10g, chiết bối mẫu 10g, chỉ xác 10g, bạch thược 10g, bán hạ 10g, phục linh 15g, hoàng liên 10g, thương truật 10g, sinh mẫu lệ 30g. Sắc uống ngày 1 thang.

tim-hieu-ve-vi-thuoc-sai-ho

Vị thuốc sài hồ trong bài Ôn đởm thang chữa bướu giáp do can đàm uất kết.

2. Bướu giáp do can kinh hỏa vượng

Bướu giáp do can kinh hỏa vượng cũng thường có các biểu hiện cổ họng phía trước sưng lớn nhưng khi ấn có rung động, cùng với đó là tính tình nóng nảy, dễ cáu giận, phiền nhiệt, ra nhiều mồ hôi, nói nhiều, tay run, ăn nhiều nhanh đói, cơ thể gầy sút, miệng khô đắng, lưỡi đỏ…

Đây là tình trạng do tinh thần u uất lâu ngày hoặc căng thẳng kéo dài, hoặc gặp phải chấn thương tinh thần đột ngột làm can khí uất kết, chức năng sơ tiết của Can bị rối loạn.

Khí uất lâu ngày hóa thành hỏa, sinh nhiệt thương âm, làm dịch tân bị nung khô hóa thành đàm. Đàm và khí kết lại, lại theo can khí nghịch lên cổ họng mà hình thành bướu ở vùng trước cổ.

Phép trị: Để điều trị chứng này cần thanh can hỏa, lý khí, hóa đàm, Đông y thường dùng bài 'Long đởm tả can thang gia giảm'.

Thành phần: Long đởm thảo 10g, chi tử 10g, sài hồ 10g, trạch tả 10g, hoàng cầm 10g, sinh địa 15g, đan sâm 15g, bạch thược 15g, hạ khô thảo 20g, sinh mẫu lệ 30g, thạch quyết minh 30g. Sắc uống ngày 1 thang.

3. Bướu giáp do khí âm lưỡng hư

Bướu giáp do khí âm lưỡng hư thường do lao lực quá độ, tinh thần căng thẳng kéo dài, hoặc ăn uống thất thường gây tổn thương Tỳ khí.

Tỳ hư khiến vận hóa thất thường, khí huyết sinh hóa không đủ mà xuất hiện tình trạng tinh thần mệt mỏi, chân tay mềm yếu, sắc mặt trắng bệch, môi nhạt.

Bệnh lâu ngày ảnh hưởng đến Thận, khí âm đều hao tổn, khí hư thì huyết vận hành yếu ớt dẫn đến huyết ứ, còn âm hư sinh nội nhiệt làm dịch tân bị tổn thương hóa thành đàm gây huyết ứ. Đàm và huyết ứ kết tụ ở cổ và mắt dẫn đến cổ sưng, mắt lồi.

Phép trị: Để điều trị bướu giáp trong trường hợp này cần ích khí dưỡng âm, nhuận kiện hóa đàm, thường dùng bài 'Tứ quân tử thang' phối hợp cùng 'Sinh mạch tán gia giảm':

Thành phần: Đảng sâm 15g, bạch truật 12g, phục linh 15g, cam thảo 6g, mạch môn 15g, ngũ vị tử 10g, sinh địa 15g, đương quy 12g, hoàng kỳ 20g, bạch thược 15g. Sắc uống ngày 1 thang.

Các trường hợp bướu giáp kể trên theo Đông y đa phần là kết quả của việc căng thẳng kéo dài, suy nghĩ quá nhiều, tinh thần không thoải mái cùng với tình trạng lao lực quá độ. Điều này cũng là một cách lý giải cho thực tế tỷ lệ người mắc bướu giáp đang ngày một tăng lên.

Đông y coi trọng việc điều trị gốc bệnh, giữ tinh thần thoải mái tránh lo lắng, căng thẳng, làm việc nghỉ ngơi điều độ tránh lao lực chính là những phương pháp vừa giúp phòng bệnh, vừa giúp nâng cao hiệu quả điều trị, đồng thời cũng là cách đề phòng bệnh tái phát sau khi đã điều trị.

Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, bướu giáp theo Đông y còn có thể do nhiều nguyên nhân khác gây ra. Việc phân biệt các thể bệnh và điều trị cụ thể cần có sự tư vấn của thầy thuốc có chuyên môn, vì vậy khi có các triệu chứng của bệnh, mọi người vẫn nên đến các cơ sở uy tín thăm khám để được tư vấn và điều trị sớm.

Theo Sức Khỏe Và Đời Sống

TIN CÙNG THỂ LOẠI