Mẹ mang thai cần làm gì khi phát hiện nhiễm HIV?

02-10-2023 08:15:28

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS. Vậy phụ nữ mang thai cần làm gì khi phát hiện nhiễm HIV?

1. Phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai nên xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt

HIV là một loại virus tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nếu không được điều trị, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và thậm chí tử vong. HIV lây lan qua các chất dịch cơ thể bị nhiễm bệnh, như máu, tinh dịch và sữa mẹ. 

Theo ông Lương Quốc Bình, Phó trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM, đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao là người sử dụng ma túy chung kim tiêm hoặc quan hệ tình dục không an toàn. Lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng là một trong những con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS. 

Vì vậy, việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ hạn chế việc lây lan của dịch bệnh. Trong những năm qua, nhờ tăng cường xét nghiệm và sử dụng các loại thuốc mới, tỷ lệ trẻ em nhiễm HIV từ mẹ đã giảm đáng đi kể. 

Mẹ mang thai cần làm gì khi phát hiện nhiễm HIV? - Ảnh 1.

Xét nghiệm là cách duy nhất để biết chắc chắn liệu có nhiễm HIV hay không?

Nếu đang mang thai hoặc dự định có thai, hãy đi xét nghiệm. Xét nghiệm là cách duy nhất để biết chắc chắn liệu bạn có nhiễm hay không đồng thời yêu cầu bạn tình đi xét nghiệm và điều trị HIV.  Phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV, việc điều trị trước và trong khi mang thai thường có thể ngăn ngừa lây truyền cho con. 

Dùng thuốc điều trị HIV trong suốt quá trình mang thai, chuyển dạ và sinh nở, đồng thời cho em bé uống thuốc điều trị trong 4 đến 6 tuần sau khi sinh, nguy cơ truyền sang trẻ là rất thấp, thậm chí là 0%. Nếu mẹ nhiễm mà không được điều trị, có thể truyền cho con:

  • Trước khi sinh qua nhau thai (nhau thai phát triển trong tử cung và cung cấp thức ăn và oxy cho em bé qua dây rốn).
  • Trong quá trình chuyển dạ và sinh nở do tiếp xúc với máu và dịch âm đạo của mẹ. Khi chuyển dạ, túi ối bị vỡ, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho con.
  • Sau khi sinh qua sữa mẹ: Tùy từng trường hợp bác sĩ có thể tư vấn có nên cho bú sữa mẹ hay không. 

Vì vậy, phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai cần đến ngay các cơ sở y tế để xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt trước và đăng ký điều trị dự phòng kịp thời.

2. Mẹ cần làm gì để giảm nguy cơ lây nhiễm cho con?

Được chẩn đoán và điều trị càng sớm thì thuốc điều trị HIV càng có tác dụng tốt hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của mẹ và ngăn ngừa lây nhiễm cho con. Thuốc kháng virus (ARV) sẽ được cung cấp cho mẹ trong suốt thai kỳ và trong khi sinh để giảm nguy cơ lây truyền sang con. Em bé cũng sẽ được điều trị ARV khi sinh để giảm thiểu nguy cơ lây truyền. 

Mẹ mang thai cần làm gì khi phát hiện nhiễm HIV? - Ảnh 2.

HIV được chẩn đoán và điều trị càng sớm thì thuốc điều trị HIV càng có tác dụng tốt hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của mẹ và ngăn lây nhiễm cho con.

Khi biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn muốn sinh con ngoài việc tuân thủ điều trị cần tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng lây truyền sang con.

Để giảm nguy cơ lây truyền cho con, cần thực hiện:

Bước 1: Thông báo cho bác sĩ biết khi muốn có thai. Bác sĩ có thể quyết định xem có cần thay đổi phương pháp điều trị để giảm tải lượng virus hay không, để ngăn truyền virus sang con. Đồng thời cải thiện cơ hội mang thai và sinh con khỏe mạnh. 

Bước 2: Nhận chăm sóc trước sinh. Cần hợp tác chặt chẽ với bác sĩ trong suốt thai kỳ để theo dõi việc điều trị, sức khỏe của mẹ và thai nhi. Kiểm tra các bệnh hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan B và C và bệnh lao. Cố gắng hết sức để bỏ hút thuốc, uống rượu và ma túy. Bắt đầu dùng vitamin dành cho bà bầu (vitamin trước khi sinh) có chứa axit folic để giảm tỷ lệ mắc một số dị tật bẩm sinh.

Bước 3: Điều trị sớm. Bắt đầu điều trị trước khi mang thai để giảm nguy cơ truyền sang con. 

Bước 4: Quản lý tác dụng phụ. Tác dụng phụ của thuốc điều trị HIV có thể gây khó khăn trong thời kỳ mang thai, nhưng điều quan trọng là phải dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thông báo với bác sĩ về bất kỳ tác dụng phụ nào gặp phải và cách kiểm soát chúng.

Bước 5: Không nên cho con bú. Cách tốt nhất để tránh truyền HIV sang con là cho trẻ bú sữa công thức thay vì bú mẹ.

Bước 6: Xét nghiệm cho con. Ngay sau khi sinh, em bé cần được xét nghiệm HIV nhiều lần, bao gồm ngay sau khi sinh (trước khi rời bệnh viện), lúc sáu tuần, lúc 12 tuần và lúc 22-24 tháng...

  • Tham khảo thêm

    Mẹ 'có H' vẫn có thể sinh con âm tính với HIV

    Mẹ 'có H' vẫn có thể sinh con âm tính với HIV

Mời xem thêm video được quan tâm:



Nguồn: https://suckhoedoisong.vn

TIN CÙNG THỂ LOẠI