Lai Châu: Phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu

01-10-2023 14:15:32

Là tỉnh miền núi biên giới với trên 2/3 diện tích đất tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, rừng Lai Châu chứa đựng nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại và công dụng chữa bệnh.

Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về "phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới", tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, tỉnh Lai Châu đã hình thành các vùng dược liệu tập trung có giá trị kinh tế cao, một số dược liệu quý, hiếm được bảo tồn, phát triển; hệ thống khám chữa bệnh bằng Đông y được tăng cường, Hội Đông y các cấp được kiện toàn, hoạt động hiệu quả… Qua đó, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và phát triển kinh tế địa phương.

Là tỉnh miền núi biên giới với trên 2/3 diện tích đất tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, rừng Lai Châu chứa đựng nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại và công dụng chữa bệnh; điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai rộng, có tiềm năng rất lớn trong phát triển cây dược liệu quý hiếm.

Những năm gần đây, nhu cầu trong nước và quốc tế về dược liệu có nguồn gốc từ thảo dược để điều trị bệnh, bồi dưỡng sức khỏe rất lớn; việc khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại được sử dụng rộng rãi.

Tỉnh Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp Chỉ thị số 24-CT/TW, đạt được những kết quả quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Lai Châu: Phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu - Ảnh 1.

Doanh nghiệp và người dân địa phương liên kết để phát triển cây Sâm Lai Châu tại xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển nền Đông y gắn với chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ban hành kế hoạch thực hiện Thông báo kết luận số 154-TB/TW của Ban Bí thư khóa XI về 5 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW; cụ thể hóa nội dung Chỉ thị, Thông báo kết luận vào các chương trình, kế hoạch công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn, chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc, hiệu quả đến 100% chi bộ, tỷ lệ cán bộ, đảng viên được học tập, quán triệt Chỉ thị số 24-CT/TW đạt 98%.

Đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị số 24-CT/TW lồng ghép với phổ biến, triển khai thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các văn bản của Bộ Y tế liên quan đến hành nghề Đông y, Đông dược, các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe Nhân dân, chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu; nâng cao nhận thức cho Nhân dân về giữ gìn, rèn luyện và bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng; vận động, tuyên truyền cho Nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa, tích cực luyện tập thể dục, thể thao, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe; hiểu rõ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát triển nền Đông y tại địa phương là một trong những phương pháp bảo vệ sức khỏe, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Mạng lưới khám, chữa bệnh bằng Đông y của tỉnh được củng cố, kiện toàn. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh hạng III, với quy mô 110 giường bệnh nội trú; Bệnh viện đa khoa tỉnh có Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng. Các Trung tâm y tế tuyến huyện đều có Khoa Y học cổ truyền hoặc Khoa Y học cổ truyền hoạt động lồng ghép trong Khoa nội hoặc khối Nội - Nhi - Lây.



Nguồn: https://suckhoedoisong.vn

TIN CÙNG THỂ LOẠI