Độc đáo lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông Tây Bắc

23-01-2023 17:31:14

Theo truyền thuyết dân gian kể lại, những cặp vợ chồng người Mông nào lấy nhau nhiều năm chưa sinh được con cái, họ sẽ đến lễ hội Gầu Tào xin thần đồi, thần núi phù hộ…

Những ngày đầu năm mới, trong tiết trời lạnh và sương mờ đặc trưng của vùng núi cao Tây Bắc, bà con người Mông lại xúng xính váy áo, rộn ràng đi trẩy hội Gầu Tào. Đây là lễ hội đầu xuân được mong chờ nhất trong năm, được tổ chức gắn liền với Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông.

Trong lễ hội, đầu tiên người dân phải chọn và dựng được một cây gỗ (thường là cây sa mộc) làm cây nêu và được trồng trên bãi đất rộng, bằng phẳng, thể hiện sự vững chãi, tâm điểm của trời đất. Cây nêu được chọn phải không cụt ngọn, nghĩa là cây nhỏ, liền mạch từ gốc đến ngọn, không bị gãy. Ngọn cây nêu phải hướng về hướng Đông, là hướng sinh với mong muốn của người Mông là cầu sinh con và mùa màng bội thu. Cùng đó, bà con chuẩn bị một bó đậu tương có quả, một bó lúa, một chai rượu và một con gà là những đồ lễ được treo lên cây nêu. Sau khi cúng xong, mọi người sẽ trèo lên cây; ai lấy được con gà, chai rượu thì đó là phần thưởng.

Khi cây nêu đã được dựng lên là lúc bắt đầu lễ hội. Cuộc thi leo cây nêu hái lộc cũng được thực hiện ngay sau đó. Cuộc thi không quy định thời gian, khi nào với được miếng vải đỏ trên ngọn cây là kết thúc nhưng bắt buộc phải lấy bằng được trong ngày. Đó không chỉ là niềm vui của người trực tiếp trèo lên được đỉnh ngọn cây nêu, lấy được lễ vật của thần linh mà còn là của tất cả người Mông tham dự lễ hội.

Sau phần lễ, phần hội là các tiết mục văn nghệ dân gian, các hoạt động thể thao và trò chơi truyền thống gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Mông như: đánh yến, đánh sảng, bắn cung, đi cà kheo, đánh cù, bắn nỏ… Khác với những năm trước, đến với lễ hội Gầu Tào năm nay, bà con dân tộc Mông còn mang đến đây những mặt hàng nông sản đặc sắc của các làng nghề, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để giới thiệu và bán cho khách du lịch.

Ông Ma Seo Vàng, một cao niên của bản làng người Mông ở Pà Cò kể lại, theo truyền thuyết dân gian, những cặp vợ chồng người Mông nào lấy nhau nhiều năm chưa sinh được con cái, mà muốn sinh được người con như ý muốn, thì người chồng sẽ lên một quả đồi nào đó cầu xin thần đồi, thần núi phù hộ gia đình sinh được người con trai.

Ông Vàng cho biết, từ ý nghĩa ban đầu là lễ tạ ơn, chúc tụng con đàn, cháu đống đã trở thành một lễ hội lớn của bà con dân tộc Mông vùng Tây Bắc. Lễ hội Gầu Tào thật sự là nơi để thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng làng bản. Chính vì vậy các địa phương có đông đồng bào Mông sinh sống nên duy trì và tổ chức thường xuyên để lễ hội này trở thành lễ hội của cộng đồng làng, cầu cho mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, nhà nhà có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Độc đáo lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông Tây Bắc - Ảnh 1.

Độc đáo lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông Tây Bắc - Ảnh 3.

“Gầu Tào” tiếng Mông nghĩa là “chơi ngoài trời” hay "Hội chơi đồi hay hội, chơi núi mùa xuân". Lễ hội thường được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 4 Tết Âm lịch, để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Độc đáo lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông Tây Bắc - Ảnh 4.

Theo quan niệm của đồng bào Mông vùng Tây Bắc, những gia đình nào ít con, không sinh được con, sinh con một bề, sinh con hay bị bệnh tật hoặc làm ăn không tốt, không may mắn sẽ đến hội Gầu tào, cúng xin thần linh, trời đất ban cho con cái, ban cho sức khỏe và may mắn để làm ăn. Khi đã hoàn thành được tâm nguyện, các gia đình tùy vào điều kiện của từng nhà năm sau sẽ tổ chức lễ hội Gầu Tào để tạ ơn trời đất, thần linh.

Độc đáo lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông Tây Bắc - Ảnh 5.

Đến với lễ hội Gầu Tào, ngoài việc được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc văn hoá, du khách còn được tham quan các gian hàng ẩm thực, nông sản, các sản phẩm đặc trưng của đồng bào vùng cao.

Độc đáo lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông Tây Bắc - Ảnh 8.

Lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông ở Hòa Bình không chỉ tôn vinh bản sắc văn hóa mà còn là sợi dây liên kết giữa cộng đồng các dân tộc vùng cao.

Lễ hội thường kéo dài từ 3 - 5 ngày rồi kết thúc, mọi người lại trở về với cuộc sống sống đời thường, nhưng dư âm Gầu Tào vẫn còn vang vọng mãi trong tâm tưởng của những người dự lễ hội. Lời ca, chén rượu như gửi gắm nhiều nỗi niềm lưu luyến và ước vọng riêng tư. Trên khắp các bản, những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới hòa quyện cùng giai điệu rộn ràng, như thay lời hẹn ước mùa xuân sau trở lại.




Nguồn: https://suckhoedoisong.vn

TIN CÙNG THỂ LOẠI