Bảo tồn giống đào phai cánh kép quý hiếm chơi Tết

26-12-2024 09:54:33

Đào phai cánh kép là giống hoa quý hiếm với đặc điểm bông to, cánh dày, nhiều cánh, màu hồng nhạt, độ bền hoa trên cành có thể lên đến 10 ngày... Đây là giống hoa quý cần bảo tồn phục vụ thị trường hoa Tết.

Giá trị của đào phai cánh kép

Thị trường hoa phục vụ Tết Nguyên đán 2024 bắt đầu nhộn nhịp, nhiều nhà vườn đang cấp tập giai đoạn cuối thúc hoa nở đúng dịp Tết. Việc bảo tồn các loài hoa bản địa với những đặc tính ưu việt được các nhà khoa học bắt tay nghiên cứu.

PGS.TS Đặng Văn Đông, Viện Nghiên cứu rau quả cho biết, giống đào phai cánh kép của Thanh Hóa có nhiều đặc điểm quý như bông to (2,5-3,5 cm), cánh dày, số lượng cánh hoa > 15 cánh, hoa nở tập trung, màu hồng nhạt, độ bền hoa trên cành lâu (từ 8-10 ngày). 

Nguồn gen hoa đào này được trồng ở địa phương từ rất lâu đời, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán khá cao. Tuy nhiên, nguồn gen mới chỉ được trồng tập trung chủ yếu ở xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, với khoảng 100 hộ dân, do tự phát, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Tổng diện tích trồng nguồn gen hoa đào này khoảng 35-40 ha.

Người dân địa phương thường nhân giống chủ yếu bằng phương pháp gieo hạt, qua nhiều năm, giống hoa đào này đã có sự lai tạp, phân li biểu hiện thấy rõ trên vườn sản xuất của các hộ dân vào dịp Tết. 

Bảo tồn giống đào phai cánh kép quý hiếm chơi Tết- Ảnh 2.

Hoa đào phai cánh kép có độ bền cao.

Hoa nở trên cùng một cây đào có cả hoa cánh đơn hoa cánh kép, hoa màu hồng, màu trắng và màu đỏ, bông hoa to và hoa nhỏ không đồng nhất. Trước tình trạng trên, Viện Nghiên cứu Rau quả đã nhận định giá trị và tình trạng của nguồn gen hoa đào này và đề xuất phương hướng bảo tồn và phát triển với đề tài: "Nghiên cứu khai thác, phát triển nguồn gen hoa Đào Sapa, Lào Cai và hoa Đào phai cánh kép Thanh Hóa theo hướng sản xuất hàng hóa". Thuộc chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết, nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn được 10 cây hoa đào đầu dòng, xây dựng vườn giống gốc và xây dựng quy trình nhân giống bằng phương pháp ghép thay thế cho phương pháp nhân giống bằng hạt. Năm 2023-2024, đề tài đã xây dựng được mô hình trồng từ cây giống nhân bằng phương pháp ghép với quy mô 0,5 ha tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quý, thôn Thanh Xuân, xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. 

Cây trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt hơn so với cây trồng từ hạt: đường kính gốc, chiều cao cây, số cành, đường kính tán đều lớn hơn, mức độ bệnh chảy gôm thấp hơn so với cây trồng từ hạt. Từ kết quả thực tế mô hình đã khuyến khích người dân chuyển từ cây giống trồng từ hạt sang trồng cây đào ghép. Việc này không những làm tăng hiệu quả sản xuất cho người trồng đào mà còn bảo tồn và phát triển được nguồn gen hoa đào phai cánh kép nguyên bản không bị lai tạp, phân li do biến dị di truyền một cách tự nhiên.

Bảo tồn giống hoa đào quý hiếm

PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết, rước kia cây hoa đào chỉ được trồng ở miền Bắc nhưng ngày nay cây hoa đào đã được di thực vào một số vùng ở miền Nam (Đà Lạt, Đồng Nai) và tỏ ra thích ứng, có khả năng phát triển ở cả những vùng đó.

Cây đào chỉ có giá trị và người trồng đào chỉ có hiệu quả kinh tế khi tạo ra được cây đào có sức sinh trưởng khỏe, tán cây, thân cây cân đối (đối với đào dáng) hoặc thế đẹp có ý nghĩa (đối với đào thế, đào bonsai) và đặc biệt là phải nở hoa vào đúng dịp Tết.

Sự thành công của mô hình đã làm thay đổi tập quán canh tác mới cho người dân địa phương đó là trồng cây đào ghép thay thế cho trồng cây hạt. Đại diện đoàn kiểm tra của Bộ Khoa học và công nghệ đã đề nghị Viện Nghiên cứu Rau quả phối hợp chặt chẽ với Địa phương để phát triển rộng rãi mô hình vào sản xuất.

Bảo tồn giống đào phai cánh kép quý hiếm chơi Tết- Ảnh 3.

Đào phai cánh kép là giống hoa bản địa có nhiều ưu điểm.

Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, chăm sóc để hoa đào nở đúng Tết không khó. Giai đoạn này cần quan sát nếu thấy đào có khả năng nở hoa muộn thì phải thúc, ngược lại đào có khả năng nở hoa sớm thì phải hãm.

TS Đông cho biết, đối với đào dùng để chơi cành, khi thu hoạch nên dùng cưa sắc để cưa cành, nếu chặt bằng dao sẽ làm lay gỗ đứt rễ không tốt. Đem đi xa nên tẩm bông ướt cho vào túi nilon áp vào gốc rồi buộc chặt để tiếp tục cung cấp nước nuôi cành hoa.

"Đối với đào thế, cần phải chú ý kỹ thuật đánh cây, tránh để cây bị đứt nhiều rễ hoặc vỡ bầu. Trong trường hợp mang đi xa nên đánh cây trồng vào chậu trước Tết 1 - 2 tháng, làm như vậy tỷ lệ cây sống hoa bền", TS Đông nói.

Người mua sau khi mua cành đào mang về nhà nên đốt gốc, đốt cành hay nhúng ngay vào chậu nước nóng già 70 – 80 độ C để nhựa của cành đào không chảy và các chất dinh dưỡng dự trữ nuôi hoa trong cành không thẩm thấu được ra ngoài, khi cắm vào lọ nên thay nước sạch 2 - 3 ngày/lần và mỗi lần thay nước cho 1 viên aspirin nhằm hạn chế vi khuẩn gây thối cành, tàn hoa.

Nếu muốn đào nở nhanh hơn thì để trong phòng kín, thắp điện, đốt hương. Nếu muốn đào nở chậm lại cho nước đá vào bình, đặt ở chỗ thoáng khí, ban đêm mang ra ngoài ban công. Đào trồng chậu thì cần thường xuyên tưới nước cứ khi nào thấy đất trên miệng chậu khô là phải tưới nước. Nhưng không nên tưới quá nhiều nước cho cây, cây sẽ bị úng, sinh ra khí độc thối rễ, cây sẽ nhanh bị chết.

Theo Sức Khỏe Và Đời Sống.

TIN CÙNG THỂ LOẠI