Tobradex trị đau mắt đỏ, dùng sao cho an toàn?

03-10-2023 09:16:07

Tobradex (tobramycin / dexamethasone) là một loại thuốc mắt kết hợp được sử dụng để điều trị và làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng mắt do vi khuẩn, trong đó có một số trường hợp đau mắt đỏ…

Đây là thuốc phải dùng theo đơn của bác sĩ. Hầu hết mọi người gặp ít hoặc không gặp tác dụng phụ khi sử dụng thuốc này theo chỉ dẫn. Tuy nhiên, nếu người bệnh sử dụng hơn 10 ngày, thuốc có nguy cơ làm tăng nhãn áp và các biến chứng nguy hiểm khác.

1. Tobradex là thuốc gì?

Thuốc tra, nhỏ mắt tobradex (tobramycin / dexamethasone) là sự kết hợp của hai loại thuốc:

- Tobramycin: Đây là một loại kháng sinh, có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn bằng cách ngăn chặn chúng tạo ra các protein cần thiết để tồn tại.

- Dexamethasone: Là một loại corticosteroid, khi sử dụng cho mắt, có tác dụng làm giảm lượng hóa chất gây viêm, đau, đỏ và sưng… Điều này giúp giảm viêm mắt và giảm đau mắt.

photo-1695971047355

Chỉ sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ.

2. Tobradex dùng như thế nào?

Thuốc dùng trong các trường hợp viêm mắt hoặc có nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn ở mắt và có các dạng bào chế gồm: Dung dịch (nhỏ mắt) và thuốc mỡ (tra mắt) với các nồng độ, hàm lượng khác nhau.

- Thuốc nhỏ mắt:

+ Tobradex: Liều thông thường là 1 hoặc 2 giọt vào mắt bị ảnh hưởng, cứ sau 4 đến 6 giờ tra một lần. Thuốc này chứa 0,3% tobramycin và 0,1% dexamethasone.

+ Tobradex ST: Liều khởi đầu thông thường là 1 giọt vào mắt bị bệnh, mỗi 4 đến 6 giờ/lần. Thuốc này chứa 0,3% tobramycin và 0,05% dexamethasone.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh sử dụng thuốc nhỏ mắt thường xuyên hơn (cứ sau 2 giờ) trong 2 ngày đầu điều trị.

- Thuốc mỡ tra mắt:

Liều thông thường là tra khoảng 1,25 cm thuốc mỡ vào các mắt bị ảnh hưởng, tối đa 3 hoặc 4 lần một ngày. Thuốc này chứa 0,3% tobramcyin và 0,1% dexamethasone.

3. Tác dụng phụ của tobradex là gì?

Tác dụng phụ thường gặp là kích ứng mắt. Tuy nhiên thuốc có thể gây ra một số bất lợi nghiêm trọng như:

  • Phản ứng dị ứng nặng: Sưng mí mắt, đỏ, ngứa, phát ban, khó thở…
  • Tăng nhãn áp: Giảm thị lực, đau mắt.
  • Đục thủy tinh thể: Nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn kém vào ban đêm, nhìn thấy quầng sáng quanh đèn…

Hãy trao đổi với bác sĩ ngay lập tức nếu người bệnhgặp bất kỳ dấu hiệu nào như trên.

4. Ưu và nhược điểm của tobradex

- Ưu điểm:

  • Giảm triệu chứng viêm mắt và đồng thời điều trị nhiễm trùng mắt do vi khuẩn
  • Kết hợp hai loại thuốc vào một sản phẩm nên thuận tiện khi sử dụng.
  • Áp dụng trực tiếp nơi nhiễm trùng (trong mắt)
  • Có thể sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên

- Nhược điểm:

  • Cần sử dụng nhiều lần trong ngày
  • Dạng hỗn dịch cần được lắc trước khi sử dụng, có thể dễ quên
  • Chỉ điều trị một số bệnh nhiễm trùng mắt do vi khuẩn, không dùng điều trị các tình trạng mắt do nấm hoặc virus
  • Có thể gây kích ứng hoặc dị ứng ở một số người
  • Yêu cầu khám mắt sau 10 ngày sử dụng để kiểm tra nhãn áp…

5. Những điều cần lưu ý khi dùng tobradex

Tobradex (tobramycin / dexamethasone) có thể tạm thời làm mờ tầm nhìn của người bệnh. Do đó, dừng lái xe hoặc vận hành máy móc cho đến khi bạn có thể nhìn rõ.

Sử dụng tobradex theo chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng (số giọt, số lần nhỏ trong ngày) và thời gian dùng thuốc. Không nên tự ý ngừng thuốc ngay cả khi bạn cảm thấy tốt hơn. Nếu người bệnh ngừng sử dụng thuốc quá sớm, nhiễm trùng có thể quay trở lại hoặc trở nên khó điều trị hơn.

Không để đầu chai hoặc ống thuốc chạm vào mắt, mí mắt, ngón tay hoặc các bề mặt khác… vì có thể làm nhiễm bẩn thuốc và gây hại nghiêm trọng cho mắt, chẳng hạn như nhiễm trùng và giảm thị lực.

Để ngăn ngừa nhiễm trùng mắt do vi khuẩn mới hoặc trầm trọng hơn, hãy rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên, cũng như trước và sau khi sử dụng thuốc.

Liên hệ với bác sĩ nếu tình trạng viêm mắt trở nên trầm trọng hơn sau khi bắt đầu dùng tobradex (tobramycin / dexamethasone). Bác sĩ có thể kiểm tra mắt để đảm bảo thuốc đang hoạt động và không gây ra tác dụng phụ.

6. Cách tra, nhỏ mắt

photo-1695971048330

Cách nhỏ thuốc mắt.


photo-1695971048949

Cách tra thuốc mỡ.

- Đối với thuốc nhỏ mắt: Cần lắc đều lọ thuốc trước khi sử dụng. Dùng một tay kéo mí mắt dưới xuống, tay kia cầm thuốc, nhỏ số giọt cần thiết vào mắt. Sau đó, nhắm mắt lại và ấn ngón tay vào khóe mắt gần mũi nhất trong một phút, để giúp thuốc lưu lại trong mắt và ngăn không cho thuốc rò rỉ vào mũi.

Nếu cần nhỏ thuốc nhỏ mắt khác vào cùng mắt đó, hãy đợi ít nhất 5 phút để thuốc nhỏ mắt thứ hai không làm trôi thuốc đầu.

- Đối với thuốc mỡ tra mắt: Nghiêng đầu về phía sau, dùng một tay kéo mí mắt dưới xuống và tay kia giữ ống thuốc mỡ. Bóp một lượng nhỏ (khoảng 1,25 cm) thuốc mỡ vào khoảng trống giữa mí mắt và nhãn cầu. Nhìn xuống trước khi nhắm mắt từ 1 đến 2 phút, để giúp thuốc đến được tất cả các bộ phận cần thiết của mắt.

Người bệnh chỉ dùng thuốc này theo chỉ định của bác sĩ. Không dùng quá liều và kéo dài thời gian so với khuyến cáo của nhân viên y tế, vì thuốc có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm...




Nguồn: https://suckhoedoisong.vn

TIN CÙNG THỂ LOẠI