Những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ còi xương

26-09-2024 15:28:01

Nước ta tuy là nước có khí hậu nhiệt đới, có nhiều ánh sáng mặt trời nhưng còi xương vẫn là một bệnh khá phổ biến. Bên cạnh đó, chế độ ăn chưa đúng cũng là một nguyên nhân khiến trẻ còi xương.

Bệnh còi xương là phổ biến nhất ở trẻ em từ 6 - 36 tháng tuổi vì đây là lứa tuổi mà hệ xương đang phát triển mạnh. Đây là thời điểm cơ thể trẻ cần nhiều canxi và phospho nhất để củng cố và phát triển bộ xương.

Các triệu chứng của bệnh còi xương bao gồm đau và nhạy cảm ở xương, đặc biệt là ở cột sống, cánh tay, xương chậu và chân; chậm phát triển và/hoặc thấp bé; chuột rút cơ; và răng bất thường.

Còi xương là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển xương và gây ra nhiều biến chứng về sau. Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh còi xương.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho trẻ bị còi xương

Các vấn đề về dinh dưỡng hoặc di truyền thường là nguyên nhân gây ra bệnh còi xương. Chế độ ăn giúp cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu và khoáng chất giúp hình thành xương.

  • Canxi: Là thành phần chính cấu tạo nên xương.
  • Vitamin D: Giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả.
  • Phospho: Làm chắc khỏe xương và răng.

Các vitamin và khoáng chất khác như magie, kẽm, đồng... cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành xương.

Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng hỗ trợ quá trình hồi phục, giúp cơ thể trẻ bị còi xương phục hồi nhanh chóng, xương phát triển khỏe mạnh. Đồng thời, cung cấp đủ chất dinh dưỡng giúp giảm thiểu nguy cơ các biến chứng của còi xương như biến dạng xương, chậm lớn, suy yếu hệ miễn dịch.

2. Các dưỡng chất thiết yếu đối với trẻ còi xương

Trong hầu hết các trường hợp, thay đổi chế độ ăn uống, bổ sung thêm vitamin và tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng mặt trời là đủ để chữa khỏi căn bệnh này. Còi xương là do thiếu hụt ít nhất 1 trong 3 chất dinh dưỡng thiết yếu: vitamin D, canxi hoặc phospho. Do đó, chế độ ăn để đảo ngược bệnh còi xương cần chứa các loại thực phẩm giàu ít nhất một trong những chất dinh dưỡng này.

2.1. Thực phẩm giàu vitamin D cần thiết cho trẻ còi xương

Bổ sung đủ vitamin D giúp xương chắc khỏe và có thể ngăn ngừa còi xương. Khi tia cực tím từ mặt trời chiếu vào da sẽ tổng hợp vitamin D. Tuy nhiên, trẻ em thường ít được tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời dễ bị thiếu hụt vitamin D và do đó dễ bị còi xương. Ăn thực phẩm giàu vitamin D có thể cung cấp vitamin D để hỗ trợ xương chắc khỏe.

Trong tự nhiên không có nhiều thực phẩm giàu vitamin D. Các thực phẩm giàu vitamin D gồm một số loại dầu gan cá, trứng gà được nuôi bổ sung vitamin D, dầu tăng cường vitamin D hoặc các thực phẩm có bổ sung vitamin D. Ngoài ra một số loại cá giàu chất béo như cá hồi cũng là nguồn cung cấp vitamin D.

Các nguồn vitamin D tốt trong chế độ ăn uống bao gồm:

  • Dầu gan cá tuyết
  • Cá hồi, cá thu, cá ngừ
  • Trứng
  • Sữa chua

Nhiều loại thực phẩm cũng được bổ sung vitamin D, chẳng hạn như nước cam, sữa, bơ thực vật và ngũ cốc ăn sáng.

Những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ còi xương- Ảnh 2.

Việc hấp thụ đủ vitamin D giúp xương chắc khỏe và có thể ngăn ngừa còi xương ở trẻ.

2.2. Thực phẩm giàu canxi

Chế độ ăn cho trẻ còi xương cũng nên chứa các loại thực phẩm giàu khoáng chất thiết yếu là canxi. Hơn 99% canxi trong cơ thể tích tụ trong xương và khoáng chất này cần thiết kết hợp với vitamin D và phospho để ngăn ngừa còi xương. Thực phẩm giàu canxi là các loại thực phẩm từ sữa như sữa, sữa chua và pho mát; các loại rau lá xanh như cải xoăn, rau bina cũng chứa một lượng canxi tốt.

2.3. Thực phẩm giàu phospho

Vì phospho cần thiết cho xương chắc khỏe, chế độ ăn của trẻ còi xương cũng nên chứa các loại thực phẩm cung cấp khoáng chất thiết yếu này. Các nguồn phospho tốt trong chế độ ăn bao gồm một số loại thực phẩm giàu canxi: thực phẩm từ sữa như sữa, phô mai và sữa chua; trứng; và cá hồi. Các loại thực phẩm khác chứa phospho là bánh mì nguyên cám và bánh mì bổ sung; cá bơn, thịt bò, thịt gà...

2.4. Tầm quan trọng của sữa

Sữa là một sự bổ sung có lợi cho chế độ ăn của trẻ còi xương vì nó chứa vitamin D, canxi và phospho. Tuy nhiên, một số trẻ không uống sữa vì một hoặc nhiều lý do, chẳng hạn như không thích sữa, tránh các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật nói chung hoặc không dung nạp lactose. Đối với những trẻ này, điều quan trọng là chế độ ăn của trẻ còi xương phải chứa một số loại thực phẩm khác giàu vitamin D, canxi và/hoặc phospho.

3. Lưu ý khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ còi xương

Trẻ còi xương cần có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt, trong đó, phải đảm bảo cung cấp đầy đủ cho trẻ 4 nhóm chất chính, đó là: tinh bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, trẻ cần được tập trung bổ sung nhóm vi chất để xương của trẻ phát triển như vitamin D, canxi, phospho, kẽm, sắt. Ngoài ra, trong mỗi bữa ăn hàng ngày của trẻ cũng cần được tăng cường bổ sung lượng chất béo từ dầu hoặc mỡ bởi chất béo đóng vai trò hấp thu vitamin D ở trẻ.

Khi bổ sung dinh dưỡng cho trẻ còi xương, trẻ cần được quan tâm, theo dõi để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn hàng ngày. Điều trị còi xương thường bắt đầu bằng việc bổ sung vitamin D và canxi. Trẻ em mắc bệnh còi xương di truyền thường được điều trị bởi một chuyên gia về hormone (bác sĩ nội tiết).

Trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh còi xương do dinh dưỡng sẽ ngay lập tức bắt đầu bổ sung vitamin D từ 1.000 - 2.000 đơn vị quốc tế (IU) mỗi ngày. Đôi khi, bác sĩ sẽ sử dụng liều lượng vitamin D cao hơn nhiều. Lượng canxi nên hấp thụ là 1.000 - 1.500 mg mỗi ngày, thông qua thực phẩm giàu canxi hoặc thực phẩm bổ sung.

Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng, nhu cầu vitamin D cần bổ sung hàng ngày cho từng lứa tuổi như sau:

  • Trẻ dưới 12 tháng tuổi: 400UI vitamin D3/ngày.
  • Trẻ lớn hơn và người trưởng thành 600UI vitamin D3/ngày.
  • Người từ 50 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, nhu cầu cao hơn: 800UI vtiamtin D3/ngày.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ còi xương

- Với trẻ dưới 6 tháng tuổi: Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn và tiếp tục bú mẹ cho tới khi được 2 tuổi. Ngay từ những tuần đầu sau sinh nên cho trẻ ra tắm nắng từ 10-15 phút trước 9 giờ sáng, mùa đông có thể tắm muộn hơn một chút. Khi tắm nên che mắt cho trẻ để ánh nắng mặt trời không gây hại mắt, không cho trẻ tắm nắng lúc trời nắng gay gắt để tránh nguy cơ ung thư da. Trường hợp thời tiết lạnh, không có ánh nắng có thể bổ sung dự phòng vitamin D, MK7 hàng ngày cho trẻ dưới sự giám sát của bác sĩ.

Dưới da có sẵn các tiền vitamin D là 7 dehydrocholesterol, dưới tác dụng của tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời các tiền vitamin sẽ bị hoạt hóa chuyển thành vitamin D. Vitamin D có tác dụng điều hòa chuyển hóa và hấp thụ canxi, phospho, ánh nắng mặt trời phải được chiếu trực tiếp trên da mới có tác dụng, nếu qua lần vải thì sẽ còn rất ít tác dụng.

- Với trẻ trên 6 tháng tuổi: Bên cạnh việc tắm nắng hàng ngày cho trẻ, trong chế độ ăn bổ sung cần chú ý thức ăn giàu canxi và các khoáng chất như tôm, cua, cá, trứng, rau xanh, đậu, sữa, chế phẩm từ sữa. Chú ý cho trẻ ăn đủ chất béo dầu, mỡ giúp hấp thụ vitamin D, MK7 và các vitamin tan trong dầu để trẻ phát triển tốt.

Tiếp tục cho trẻ bú mẹ; ăn bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi, cần xóa bỏ quan niệm cho trẻ ăn xương ống, xương chân gà sẽ chống được còi xương. Vì vitamin D là loại tan trong dầu, nếu chế độ ăn thiếu dầu mỡ thì dù có được uống vitamin D trẻ cũng không hấp thụ được nên vẫn bị còi xương.

- Cho trẻ uống vitamin D 400UI/ ngày trong suốt năm đầu tiên, nhất là về mùa đông. Lưu ý, cho trẻ uống thêm các chế phẩm có canxi như: calciumcobier 5ml: 1 - 2 ống/ngày, trẻ lớn có thể ăn cốm canxi 1 - 2 thìa cà phê/ngày, ngoài ra, có thể bổ sung thêm kẽm, vitamin K2 theo hướng dẫn của bác sĩ.

Những lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ còi xương- Ảnh 3.

Cho trẻ tắm nắng giúp tổng hợp vitamin D từ da là một nguồn quan trọng để bổ sung vitamin D ngăn ngừa bệnh còi xương. Ảnh minh họa

Hạn chế dùng thức ăn nhanh, đồ ngọt, đồ uống có gas

Bà mẹ cho con bú cũng nên kiêng những loại thực phẩm này vì đây là những thực phẩm có thể giảm khả năng hấp thụ canxi và gây ra một số bệnh lý khác ở trẻ. Cho trẻ uống đủ nước, khuyến khích trẻ ăn nhiều trái cây, nước hoa quả tự nhiên. Bên cạnh vitamin D và canxi, mẹ cần chú ý cân chỉnh liều lượng vitamin K2, kẽm, magie cung cấp cho trẻ mỗi ngày.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám sức khỏe định kỳ và tham khảo ý kiến từ các chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn hợp lý, khoa học cho trẻ. Trong một số trường hợp trẻ có dấu hiệu thiếu hụt vitamin, khoáng chất, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ và cân nhắc cho trẻ dùng một số thực phẩm bổ sung.

Theo Sức khỏe đời sống

TIN CÙNG THỂ LOẠI