01-06-2023 16:30:54
Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2023 thuộc nhiều lĩnh vực, liên quan và tác động đến nhiều đối tượng.
100% kết quả thủ tục hành chính một cửa được cấp bản điện tử
Một chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2023 là Quyết định 13/QĐ-BCĐCCHC của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2023.
Theo đó, từ ngày 1/6, 100% kết quả thủ tục hành chính một cửa được cấp bản điện tử.
Kế hoạch xác định mục tiêu năm 2023 sẽ tập trung nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính của các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, tạo đột phá trong cải cách hành chính năm 2023.
Ban Chỉ đạo xác định cải cách hành chính của Chính phủ xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính năm 2023.
Theo đó, tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ; Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.
Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính: Lập đề nghị xây dựng Nghị định quy định thủ tục liên thông điện tử đối với 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông: "Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi"; "Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí".
Từ 1/6/2023, các Bộ, ngành, địa phương, thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết đối với thủ tục hành chính thuộc phạm vi tiếp nhận của Bộ phận "Một cửa" cấp xã (trừ các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo). 100% kết quả của các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp đồng thời cả bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp...
Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Thông tư 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc quản lý và mẫu chứng chỉ chương trình bồi dưỡng; tổ chức bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước; tiêu chuẩn giảng viên cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Những nội dung hướng dẫn quản lý, mẫu chứng chỉ chương trình bồi dưỡng và đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được nêu tại Thông tư này áp dụng đối với các khóa bồi dưỡng (bao gồm giảng dạy trực tiếp trên lớp hoặc từ xa).
Theo chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2023 này, chứng chỉ chương trình bồi dưỡng được cấp cho học viên tham gia học tập đầy đủ theo quy định của chương trình bồi dưỡng. Có đủ các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án theo quy định của chương trình bồi dưỡng; các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án phải đạt từ 50% số điểm trở lên theo thang điểm quy định của chương trình.
Chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; quy chế, nội quy học tập của Học viện Hành chính Quốc gia; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng được cấp 1 lần cho học viên hoàn thành khóa học, trong ngày bế giảng khóa học.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6.
Thay đổi cách tính giá điện sinh hoạt với người thuê nhà
Một chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2023 là Thông tư 9/2023 của Bộ Công Thương quy định giá điện áp dụng với sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê không phải hộ gia đình).
Theo chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2023 này, nếu hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và người thuê có đăng ký tạm trú, thường trú, chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện.
Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3, từ 101 đến 200 kWh (giá 2.074 đồng/kWh) cho toàn bộ sản lượng điện đo tại công tơ. Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện. Bốn người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Bên bán điện được phép yêu cầu bên mua điện cung cấp Thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện để làm căn cứ xác định số người tính số định mức khi tính toán hóa đơn tiền điện. Giá bán lẻ điện sinh hoạt từ 4/5 dao động 1.728-3.015 đồng một kWh tùy bậc thang.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/6.
Thêm trường hợp không được tham gia bán hàng đa cấp
Những trường hợp không được tham gia bán hàng đa cấp được nêu tại khoản 23 Điều 1 Nghị định số 18/2023/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 20/6/2023.
Theo chính sách mới có hiệu lực thi hành từ tháng 6/2023 này, các trường hợp không được tham gia bán hàng đa cấp gồm: Người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam được cấp gắn với doanh nghiệp mà người đó tham gia bán hàng đa cấp trừ trường hợp được miễn (Quy định cũ chỉ quy định là người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam trừ trường hợp được miễn).
Các đối tượng còn lại vẫn giữ nguyên như quy định cũ tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, gồm:
- Người đang chấp hành hình phạt tù/có tiền án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng cấm, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ tài sản trái phép…
- Người bán hàng đa cấp đã từng bị xử phạt mà chưa hết hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính tại khoản 2, 3, 4 Điều 5.
- Cá nhân tại điểm c khoản 1 Điều 7.
- Cán bộ, công chức.