Người đang hưởng lương hưu qua đời năm 2023 thì thân nhân nhận chế độ gì?

25-09-2023 19:00:41

Người đang hưởng lương hưu qua đời thì thân nhân sẽ nhận một số chế độ bằng tiền, người dân cần nắm được thông tin này.

Theo các quy định hiện hành, người đang hưởng lương hưu qua đời thì một số thân nhân, người trong gia đình sẽ nhận chế độ tử tuất, bao gồm trợ cấp mai táng (mai táng phí) và nhận trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần.

Trợ cấp mai táng

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần lương cơ sở tại tháng mà người hưởng lương hưu chết.

Như vậy, trong năm 2023, nếu người đang hưởng lương hưu qua đời trước ngày 1/7 thì thân nhân sẽ nhận mức mai táng phí là 14,9 triệu đồng.

Nếu người đang hưởng lương hưu qua đời từ ngày 1/7 – thời điểm lương cơ sở tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng – thì thân nhân sẽ nhận số tiền trợ cấp mai táng là 18 triệu đồng.

Người đang hưởng lương hưu qua đời năm 2023 thì thân nhân nhận chế độ gì? - Ảnh 1.

Người đang hưởng lương hưu qua đời thì thân nhân nhận một số chế độ bằng tiền (Ảnh minh hoạ).

Trợ cấp tuất hằng tháng

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về trợ cấp tuất hằng tháng, thân nhân của người chết được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bao gồm:

- Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai.

- Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ.

- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

Lưu ý là, trừ trường hợp thân nhân là con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai, thì các đối tượng thân nhân còn lại của người lao động chết phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở mới thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.

Thu nhập theo quy định tại Luật này không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của luật về ưu đãi người có công.

Mức trợ cấp tuất hằng tháng được quy định tại Khoản 1, Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau: Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Trợ cấp tuất một lần

Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần như sau:

- Không thuộc các trường hợp tại khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

- Thuộc các truờng hợp tại khoản 2 Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nhưng có nguyện vọng được hưởng trợ cấp tuất 1 lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (những đối tượng này không đuợc yêu cầu hưởng trợ cấp tuất 1 lần mà sẽ được nhận trợ cấp tuất hàng tháng).

Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng.

Ví dụ cụ thể để độc giả dễ hình dung, tính toán mức hưởng trợ cấp tuất một lần như sau:

Ông A hưởng lương hưu được 8 tháng thì mất. Thân nhân của ông A sẽ đuợc hưởng trợ cấp tuất 1 lần với mức hưởng là: 48 - (8 - 2) x 0,5 = 45 (tháng lương hưu của ông A).

Ông B hưởng lương hưu được 8 năm (96 tháng) thì mất. Thân nhân của ông B sẽ đuợc hưởng trợ cấp tuất 1 lần với mức hưởng là: 48 - (96 - 2) x 0,5 = 1 (tháng lương hưu của ông B).

Nhưng vì mức trợ cấp tuất thấp nhất được hưởng là 3 tháng lương hưu nên thân nhân của ông B sẽ được hưởng trợ cấp tuất một lần là 3 tháng lương hưu của ông B.

MỜI ĐỘC GIẢ XEM THÊM:

>>> Tin vui cho hàng vạn người tiếp tục được tăng lương hưu từ giữa tháng 9/2023" data-rel="follow">>>> Tin vui cho hàng vạn người tiếp tục được tăng lương hưu từ giữa tháng 9/2023

>>> Tin vui cho hàng trăm nghìn người được tăng lương hưu 2 lần năm 2023" data-rel="follow">>>> Tin vui cho hàng trăm nghìn người được tăng lương hưu 2 lần năm 2023

>>> Tin vui dành cho người có công với cách mạng và thân nhân cần biết ngay" data-rel="follow">>>> Tin vui dành cho người có công với cách mạng và thân nhân cần biết ngay

>>> 'Tuyệt chiêu' để được hưởng lương hưu khi chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội" data-rel="follow">>>> 'Tuyệt chiêu' để được hưởng lương hưu khi chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội

>>> Mức lương hưu của bác sĩ cao nhất, thấp nhất là bao nhiêu tiền?" data-rel="follow">>>> Mức lương hưu của bác sĩ cao nhất, thấp nhất là bao nhiêu tiền?

>>> Tin vui dành cho hàng triệu người không có lương hưu dưới 75 tuổi" data-rel="follow">>>> Tin vui dành cho hàng triệu người không có lương hưu dưới 75 tuổi




Nguồn: https://suckhoedoisong.vn

TIN CÙNG THỂ LOẠI