Mẹ 'có H' vẫn có thể sinh con âm tính với HIV

01-10-2023 07:16:20

Mẹ nhiễm HIV vẫn có thể sinh con âm tính với HIV nếu tiếp cận sớm với thuốc kháng virus và các dịch vụ hỗ trợ trong quá trình mang thai, sinh nở và cho con bú...

1. Ngăn ngừa lây truyền HIV, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là phương thức lây truyền HIV chính ở trẻ em. HIV trong máu của người mẹ có thể truyền vào cơ thể con khi người mẹ đang mang thai, chuyển dạ hoặc sinh nở. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cũng có nguy cơ gặp biến chứng thai kỳ và nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng như nhiễm trùng huyết và nhiễm trùng cơ hội, bao gồm lao, viêm phổi và viêm màng não.

Tuy nhiên mẹ nhiễm HIV vẫn có thể sinh con âm tính với HIV. Vì vậy, ngăn ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con là một biện pháp can thiệp quan trọng nhằm cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Mẹ nhiễm HIV vẫn có thể sinh con âm tính với HIV - Ảnh 1.

Điều trị tốt có thể ngăn ngừa nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị các chương trình quốc gia dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bao gồm ba chiến lược đồng thời: (1) phòng ngừa nhiễm HIV nguyên phát ở phụ nữ mang thai; (2) ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn ở phụ nữ nhiễm HIV; và (3) các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Hai chiến lược đầu tiên thường đạt được thông qua các phương pháp tránh thai và thay đổi hành vi, trong khi chiến lược thứ ba liên quan đến việc cung cấp dịch vụ cho phụ nữ nhiễm HIV và con của họ và là trọng tâm của hầu hết các chương trình lây truyền lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Theo ThS. Lương Quốc Bình, Phó Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm mạn tính, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, khi nhắc đến dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, chúng ta có các dịch vụ hỗ trợ như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), tư vấn xét nghiệm và chẩn đoán HIV, cấp phát vật phẩm và thuốc dự phòng lây nhiễm…

2. Các biện pháp dự phòng ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

- Xét nghiệm và chẩn đoán HIV" data-rel="follow" style="background-color:rgb(255,255,255)">chẩn đoán HIV: Đối với phụ nữ đang mang thai, tư vấn và xét nghiệm HIV là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong việc giảm lây truyền từ mẹ sang con. Xét nghiệm máu là cách phổ biến nhất để chẩn đoán HIV. Các xét nghiệm khác có thể kiểm tra HIV như xét nghiệm nước bọt, nhưng kết quả thường không chính xác bằng xét nghiệm máu.

Chẩn đoán nhiễm HIV ở trẻ nhỏ phụ thuộc vào việc phát hiện virus. Tất cả trẻ sơ sinh được sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV đều có xét nghiệm kháng thể dương tính khi sinh do kháng thể HIV truyền thụ động qua nhau thai nên xét nghiệm virus học được sử dụng để xác nhận chẩn đoán.

Đối với trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HIV, xét nghiệm chẩn đoán virus thường được thực hiện trong vòng 2 ngày đầu đời, lúc 1 đến 2 tháng tuổi và lúc 4 đến 6 tháng tuổi. Đối với trẻ trên 18 tháng tuổi, thanh thiếu niên hoặc người lớn, chẩn đoán được thực hiện bằng cách xét nghiệm máu để tìm sự hiện diện của kháng thể HIV.

Mẹ nhiễm HIV vẫn có thể sinh con âm tính với HIV - Ảnh 2.

Việc điều trị HIV sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

- Điều trị trước sinh: Thuốc kháng virus khi được sử dụng trong suốt quá trình mang thai, sinh nở và cho con bú, có thể làm giảm nguy cơ lây truyền HIV sang trẻ sơ sinh. Phụ nữ có kết quả xét nghiệm HIV dương tính khi khám thai tại các cơ sở y tế sẽ được hỗ trợ điều trị ARV suốt đời và được tư vấn về lợi ích của việc đăng ký và duy trì điều trị.

Việc điều trị HIV sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền HIV sang con theo hai cách:

  • Thuốc làm giảm lượng virus trong cơ thể mẹ, để trẻ ít bị phơi nhiễm HIV hơn khi còn trong bụng mẹ và trong khi sinh. Mục đích của việc điều trị HIV là đạt được và duy trì lượng virus ở mức không thể phát hiện được.
  • Thứ hai, một số loại thuốc chống HIV cũng có thể đi qua nhau thai và xâm nhập vào cơ thể em bé để ngăn ngừa lây truyền.

Hầu hết các loại thuốc điều trị HIV đều an toàn khi sử dụng trong thời kỳ mang thai và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng em bé đang phát triển sẽ khỏe mạnh hơn khi mẹ bắt đầu điều trị HIV trước khi mang thai. Nhìn chung, phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể được điều trị HIV giống như những người không mang thai. Tuy nhiên, nên tránh hoặc sử dụng một số loại thuốc thận trọng vì có thể gây ra tác dụng phụ cho mẹ hoặc em bé đang phát triển.

- Sinh con an toàn: Sinh con an toàn là vấn đề quan trọng cần được cân nhắc đối với tất cả các bà mẹ tương lai và đặc biệt là phụ nữ nhiễm HIV. Nếu cần sinh mổ theo kế hoạch, thì việc sinh mổ sẽ được thực hiện trước khi quá trình chuyển dạ bắt đầu và trước khi vỡ ối để làm giảm sự tiếp xúc của em bé với máu của mẹ và có thể làm giảm nguy cơ lây truyền.

- Chăm sóc sau sinh: Trẻ sinh ra từ những bà mẹ nhiễm HIV cần được theo dõi chặt chẽ và dùng thuốc kháng virus sau khi sinh. Trẻ cần được khám và xét nghiệm máu định kỳ. Trẻ nên được xét nghiệm HIV khi mới sinh ra, lúc một tháng tuổi và lúc bốn tháng tuổi. Nếu có hai lần xét nghiệm HIV âm tính khi được bốn tháng tuổi thì trẻ không nhiễm HIV. Nếu em bé có kết quả xét nghiệm tải lượng virus dương tính thì nên được điều trị HIV ngay lập tức.

  • Tham khảo thêm

    Nhiễm HIV chưa phải là chấm hết nếu người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị

    Nhiễm HIV chưa phải là chấm hết nếu người bệnh tuân thủ phác đồ điều trị

Mời xem thêm video đang được quan tâm:



Nguồn: https://suckhoedoisong.vn

TIN CÙNG THỂ LOẠI