Làm sao để giảm cân mà vẫn giữ cơ?

12-05-2025 10:46:09

Giảm cân hiệu quả không chỉ là 'đốt' mỡ mà còn phải giữ gìn, bảo vệ khối cơ bắp. Tuy nhiên, quá trình này có thể dễ dàng khiến bạn mất đi cơ bắp nếu không thực hiện đúng cách...

1. Tại sao cơ bắp dễ mất trong quá trình giảm cân?

Giảm cân không đúng cách có thể khiến bạn gặp tình trạng mất cơ. Một số nguyên nhân phổ biến khi cơ bắp bị tiêu hao trong quá trình giảm cân bao gồm:

- Cắt giảm calo quá mức hoặc nhịn ăn khắc nghiệt: Nhiều người áp dụng chế độ ăn chỉ còn 800 - 1000 calo mỗi ngày, với suy nghĩ càng giảm nhanh càng tốt. Tuy nhiên, việc thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng khiến cơ thể rơi vào trạng thái "sinh tồn", kích hoạt quá trình phân giải cơ bắp để bù đắp năng lượng, thay vì chỉ đốt mỡ.

- Ăn quá ít protein: Protein là thành phần cốt lõi để nuôi dưỡng và bảo vệ cơ bắp trong suốt quá trình giảm cân. Nếu lượng đạm trong khẩu phần ăn không đủ, cơ thể sẽ không có đủ nguyên liệu để duy trì, phục hồi cơ, dẫn đến hiện tượng teo cơ theo thời gian, ngay cả khi bạn tập luyện đều đặn.

- Bỏ tập luyện sức mạnh: Chỉ tập trung vào cardio (như chạy bộ, đạp xe) mà không kết hợp tập tạ là một sai lầm lớn. Cardio giúp tiêu hao calo nhưng không gửi tín hiệu đến cơ thể rằng cơ bắp cần được giữ lại. Thiếu sức đề kháng từ tạ khiến khối cơ nhanh chóng bị "bỏ rơi" trong quá trình giảm cân.

- Thiếu ngủ và căng thẳng kéo dài: Giấc ngủ chất lượng kém, mức độ căng thẳng cao làm gia tăng hormone cortisol - một hormone có thể phá hủy cơ bắp nếu duy trì ở mức cao trong thời gian dài. Đồng thời, thiếu ngủ cũng làm giảm các hormone testosterone và GH, khiến cơ thể không đủ khả năng tái tạo cơ bắp.

Làm sao để giảm cân mà vẫn giữ cơ?- Ảnh 1.

Duy trì 2 - 3 buổi tập tạ mỗi tuần giúp phát huy tối đa hiệu quả kích thích cơ bắp, duy trì khả năng vận động và trao đổi chất cao.

2. Dấu hiệu cho thấy cơ thể đang dần mất cơ

Mất cơ không xảy ra đột ngột mà diễn ra âm thầm theo thời gian. Nếu bạn đang giảm cân nhưng không kiểm soát tốt dinh dưỡng hoặc tập luyện, những tín hiệu sau đây có thể là dấu hiệu cảnh báo khối cơ đang bị tiêu hao:

- Sức mạnh giảm sút rõ rệt: Đây là dấu hiệu rõ ràng, dễ nhận thấy nhất. Nếu bạn từng nâng được mức tạ nhất định nhưng nay cảm thấy yếu đi, không còn đủ lực để hoàn thành bài tập như trước, rất có thể bạn đang mất cơ. Khối cơ là nền tảng cho sức mạnh nên khi nó giảm, hiệu suất tập luyện cũng giảm theo.

- Cơ thể trở nên “mềm nhão”, thiếu săn chắc: Dù cân nặng giảm nhưng nếu bạn cảm thấy cơ thể không gọn gàng mà trông "lỏng lẻo", đó là dấu hiệu bạn đang giảm cơ chứ không phải mỡ. Cơ bắp tạo nên vẻ săn chắc, định hình vóc dáng. Khi nó mất đi, da dễ bị chảy xệ, vóc dáng thiếu sức sống.

- Cân nặng giảm nhưng tỷ lệ mỡ cơ thể không thay đổi (hoặc tăng): Bạn có thể giảm 3 - 5kg nhưng nếu không song song giảm mỡ và giữ cơ, tỷ lệ mỡ so với tổng trọng lượng cơ thể vẫn cao. Điều này khiến cơ thể gầy nhưng không khỏe, dễ tăng cân trở lại.

- Mệt mỏi kéo dài và phục hồi kém: Khi thiếu cơ bắp, cơ thể mất đi nguồn lực để hoạt động hiệu quả. Bạn sẽ thấy dễ kiệt sức, ngủ dậy vẫn mệt, khó hồi phục sau khi vận động. Điều này gây tình trạng mệt mỏi, giảm hiệu suất nói chung trong công việc, cuộc sống hàng ngày.

- Vòng tay, vòng đùi nhỏ đi bất thường: Nếu bạn nhận thấy vòng tay, bắp chân hay đùi nhỏ lại nhanh chóng nhưng vùng bụng hoặc mỡ lưng vẫn còn - đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang mất cơ, không phải mỡ. Cơ bắp thường tập trung nhiều ở các nhóm cơ tay, chân, sự sụt giảm đột ngột ở những vùng này là điều không nên có trong hành trình giảm cân lành mạnh.

Làm sao để giảm cân mà vẫn giữ cơ?- Ảnh 3.

Sức lực giảm sút là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn đang dần mất cơ trong khi giảm cân.

3. Nguyên tắc chung để giảm cân mà vẫn giữ cơ

Nếu muốn sở hữu một vóc dáng săn chắc, khỏe mạnh thay vì chỉ “ốm gầy”, hãy tuân thủ những nguyên tắc sau để giảm mỡ mà vẫn giữ cơ:

- Tạo mức thâm hụt calo hợp lý: Thay vì cắt giảm cực đoan, bạn nên giảm khoảng 10 - 20% tổng mức tiêu thụ calo mỗi ngày. Việc này giúp cơ thể có đủ năng lượng để bảo vệ cơ bắp, trong khi vẫn đốt mỡ hiệu quả. Giảm cân là một cuộc đua đường dài, không phải nước rút.

- Bổ sung đầy đủ protein: Để duy trì khối cơ, bạn cần tiêu thụ từ 1,6 - 2,2 g protein/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Hãy ưu tiên nguồn đạm chất lượng cao như ức gà, cá, trứng, sữa, đậu nành, whey protein... Protein không chỉ nuôi dưỡng cơ bắp mà còn tạo cảm giác no lâu, hỗ trợ kiểm soát khẩu phần ăn.

- Tập luyện sức mạnh đều đặn: Dù mục tiêu là giảm cân, bạn cần duy trì ít nhất 2 - 3 buổi tập tạ mỗi tuần. Các bài tập như squat, deadlift, chống đẩy... sẽ phát huy tối đa hiệu quả kích thích cơ bắp, duy trì khả năng vận động và trao đổi chất cao.

- Ngủ đủ và kiểm soát căng thẳng: Giấc ngủ sâu từ 7- 8 tiếng mỗi đêm là nền tảng để hormone testosterone, GH hoạt động mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nên áp dụng các kỹ thuật giảm stress như thiền định, yoga, hít thở sâu hoặc nghỉ ngơi chủ động để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ cortisol.

- Ưu tiên thực phẩm giàu dinh dưỡng và kiểm soát carbohydrate: Carbohydrate không phải kẻ thù trong quá trình giảm cân. Hãy chọn nguồn tinh bột hấp thu chậm như yến mạch, gạo lứt, khoai lang để cung cấp năng lượng bền vững, đặc biệt là cho các buổi tập. Tránh tiêu thụ các loại thực phẩm chứa đường tinh luyện, carb nhanh dễ gây tăng insulin và tích mỡ.

Theo Sức khỏe và đời sống


TIN CÙNG THỂ LOẠI