20-11-2024 10:28:22
Thành phần hóa học trong hương nhu tía là tinh dầu, trong đó có eugenol, methyleugenol và beta- caryophyllen…
Hương nhu tía vị cay, tính ấm, quy vào hai kinh phế, vị; có tác dụng tán hàn, giải biểu, kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng, lợi niệu; chữa các chứng cảm mạo, đau đầu, sốt không có mồ hôi, phù thũng, đau bụng đi ngoài.
Đặc biệt, theo tài liệu công bố của Ấn Độ, hương nhu tía có khả năng làm tăng độ bền vững của màng tế bào, đẩy mạnh khả năng sử dụng glucoza, làm tăng hoạt độ men glucoza-6-phosphat dehydrogenaza, tăng lượng NADPH - là chất cho hydro cần thiết để dập tắt phản ứng, giảm thiểu một cách tích cực sự sản sinh các gốc tự do... nên có tác dụng chống stress hiệu quả.
- Giảm stress, nhức đầu, mệt mỏi, đau tức ngực dùng bài: Hương nhu 8g, hậu phác 6g, bạch biển đậu 12g, sắc nước uống trong ngày.
- Cảm sốt nhức đầu, mệt mỏi dùng bài: Lá hương nhu tía tươi một nắm, giã nhỏ, chế thêm nước sôi, lọc lấy nước cốt uống, bã đắp lên đầu, trán và hai bên thái dương.
- Buồn bực, nhức đầu, chân tay lạnh, đầy bụng dùng bài: Hương nhu tía 500g, hậu phác (tẩm gừng nướng) 200g, bạch biển đậu (sao vàng) 2000g. Các vị thuốc tán nhỏ trộn đều, mỗi lần dùng 12 -18g, pha với nước đun sôi uống.
- Rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, lạnh bụng, tiêu chảy dùng bài: Hương nhu 12g, tía tô (lá và cành) 9g, mộc qua 9g, sắc nước uống trong ngày.
- Viêm đường hô hấp trên dùng bài: Hương nhu, hoắc hương, kinh giới, bán hạ, phục linh, đảng sâm, hoàng cầm - mỗi vị 12g, cam thảo 6g. Sắc với nước, chia thành 3-4 phần uống trong ngày.
- Cảm mạo dùng bài: Hương nhu tán nhỏ, mỗi lần dùng 8g, pha với nước sôi hay dùng rượu hâm nóng để chiêu thuốc;
- Phù thũng, tiểu tiện đỏ dùng bài: Hương nhu tía 12g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 30g, ích mẫu thảo 16g; sắc nước uống thay trà trong ngày.
- Chữa hôi miệng: Hương nhu tía 20g, sắc với 200ml nước, dùng súc miệng và ngậm.
- Giúp mọc tóc: Hương nhu tía 100-200g; sắc nước, cô đặc, trộn với mỡ lợn, bôi lên đầu.
Theo Sức Khỏe Và Đời Sống.