31-10-2024 09:48:07
Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó, một trong những điểm mới tại dự thảo Luật Nhà giáo (lần 3) là quy định về tuổi nghỉ hưu của nhà giáo. So với các dự thảo lấy ý kiến trước đó, dự thảo lần 3 của Luật Nhà giáo đã bổ sung trường hợp giáo viên được nghỉ hưu sớm là giáo viên mầm non và giáo viên trường lớp dành cho trẻ khuyết tật. Thời gian nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi.
Giải thích về việc giáo viên mầm non được giảm tuổi nghỉ hưu (55 tuổi) so với các nhà giáo khác, Bộ GD&ĐT cho rằng, điều này đảm bảo phù hợp với yêu cầu triển khai chương trình giáo dục mầm non và phù hợp với hiện trạng điều kiện lao động của giáo viên mầm non.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết đã có dự thảo báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học chứng minh điều kiện lao động của giáo viên mầm non nằm trong các chỉ số nghề "nặng nhọc".
Sau khi biết đề xuất của Bộ GD&ĐT, nhiều giáo viên khấp khởi vui mừng và hy vọng đề xuất này sẽ được thông qua.
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, cô Trịnh Thị Minh Hằng - giáo viên đã công tác gần 25 năm tại Trường mầm non Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 7h sáng đến 17h chiều. Trong khoảng thời gian đó, giáo viên chính là người vừa dạy bé học vừa chăm sóc bé từng chén cơm, miếng nước.
Mỗi sáng, giáo viên mầm non chúng tôi phải có mặt ở trường trước giờ đón trẻ 15 phút để vệ sinh thông thoáng phòng lớp (dù ai cũng có gia đình, có con nhỏ).
Trong suốt một ngày làm việc giáo viên mầm non phải thực hiện rất nhiều hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo chế độ sinh hoạt như: hoạt động học, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời... Sau đó hướng dẫn các con vệ sinh, rửa tay, lau mặt, chăm sóc trẻ ăn, ngủ. Khi trẻ ngủ các cô thay phiên nhau trực trưa trông trẻ ngủ. Tất cả phải được thực hiện hàng ngày, hàng tuần theo qui định.
Buổi chiều lại qui trình cho trẻ dậy, vận động nhẹ nhàng để trẻ tỉnh ngủ, rồi ăn quà chiều, tổ chức hoạt động chiều ôn lại kiến thức, lao động tự phục vụ, vui chơi và vệ sinh trả trẻ".
Cô Hằng cho biết, trẻ mầm non không giống các lứa tuổi khác, các con sống theo cảm xúc vui thì cười, buồn thì khóc và còn rất hiếu động nên các cô giáo thật sự rất vất vả, lúc nào cũng luôn chân luôn tay và phải quan sát để mắt đến trẻ mọi lúc mọi nơi.
Việc đi sớm về muộn mỗi ngày là chuyện thường xuyên của cô giáo mầm non. Bên cạnh đó, mỗi tiết dạy các cô cũng phải chuẩn bị đồ dùng, giáo án để có những bài dạy dễ hiểu cuốn hút trẻ. "Giáo viên mầm non chúng tôi được ví như một "bác sĩ" kiêm "ca sĩ" và cả "họa sĩ". Chúng tôi vừa phải múa dẻo, hát hay, vẽ đẹp còn phải đảm bảo an toàn cho trẻ trong suốt thời gian từ 8-10 tiếng ở trường. Đó chính là những áp lực về trách nhiệm đè nặng lên vai chúng tôi".
Do đó, cô Hằng cho hay, với cường độ công việc và thời gian làm việc vất vả như vậy, giáo viên sau 55 tuổi sức khỏe sẽ không còn nhanh nhẹn, sáng tạo nên rất khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ. "Chúng tôi mong muốn được giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non khi đủ 55 tuổi".
Cô Bùi Thị Minh Loan - Hiệu trưởng Trường mầm non Hương Xạ (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: "Không chỉ trẻ mà ngay cả phụ huynh cũng đều mong muốn giáo viên đứng lớp của con mình trẻ, năng động, sáng tạo, cập nhật được nhiều phương pháp dạy học mới nhưng sau 55 tuổi chúng tôi phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe như thị giác, thính giác, trí nhớ giảm, gây ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy.
Ở độ tuổi đó, chúng tôi đâu có thể vận động liên tục được. Do vậy, chúng tôi mong muốn được nghỉ hưu sớm. Việc được nghỉ hưu sớm cũng một phần bù đắp cho con cái và gia đình suốt thời gian bám trường, bám lớp từ mờ sáng đến sẩm tối. Bên cạnh đó, với đặc thù nghề nghiệp vất vả như vậy, hy vọng ngành học mầm non sẽ được bổ sung vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại", cô Loan bày tỏ.
Theo Sức Khỏe Và Đời Sống.