16-01-2025 09:15:12
Tiện lợi, đa dạng nhưng còn nhiều băn khoăn
Tại Hải Phòng, hiện có 9 bệnh viện công lập tuyến thành phố trong đó có 5 bệnh viện có lượng bệnh nhân tới khám, điều trị mỗi ngày lên tới hàng nghìn người, gồm Bệnh viện Việt Tiệp, Bệnh viện Trẻ em, Bệnh viện Kiến An, Bệnh viện Thủy Nguyên và Bệnh viện Phụ Sản. Nhờ đó, dịch vụ "ăn theo" bệnh viện như ăn sáng, cơm bình dân, đồ ăn vặt, tắm gội, chăm sóc người bệnh... đua nhau nở rộ.
Là bệnh viện tuyến cuối của Hải Phòng, mỗi ngày Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (đường Hai Bà Trưng, quận Lê Chân) có khoảng nghìn người tới khám và điều trị. Đây cũng là bệnh viện có mật độ hàng quán nhiều nhất nhì thành phố với đủ các loại hình dịch vụ từ ăn uống tới nhà trọ, chăm sóc người ốm.
Đối diện cổng viện, chủ yếu là cửa hàng thuốc, quán cơm bình dân, ăn sáng, tắm gội. Hầu hết các quán đều tận dụng vỉa hè để bày bán hàng, phục vụ người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân, lác đác có người dân tới ăn. Mỗi suất ăn được bán với giá từ 20.000 đến 40.000 đồng, phù hợp với sức mua và tình trạng kinh tế của người bệnh.
Anh Hồng Sinh, 40 tuổi ở quận Hải An, Hải Phòng đang chăm người nhà tại Bệnh viện Việt Tiệp chia sẻ: "Tôi thường ăn ở ngoài cổng bệnh viện vì tiện và đồ ăn phong phú. Cũng biết vệ sinh ăn uống ở đây không quá tốt nhưng hoàn cảnh không cho phép nên cứ nhắm mắt ăn cho xong bữa".
Theo quan sát của phóng viên, hầu hết những cửa hàng cơm bình dân ngoài cổng Bệnh viện Việt Tiệp ít được trang bị tủ kính đựng món ăn khi đem ra bán cho khách. Một số quán còn bày các khay thức ăn ra bàn rồi đặt ngay gần vỉa hè. Người phục vụ có đeo tạp dề, găng tay nhưng không đeo khẩu trang khi bán cho khách. Việc vệ sinh bát đũa của quán diễn ra ngay ra vệ đường, vô cùng nhếch nhác. Bằng mắt thường có thể thấy, nước rửa đục ngầu và chỉ được thay khi đã đầy cặn.
Không gian các quán ăn ở khu vực cổng bệnh viện thường nhỏ hẹp, bàn ghế được đặt sát nhau hoặc có những quán phục vụ khách hàng ngay trên vỉa hè, không đảm bảo an toàn và vệ sinh. Tiếng xe cộ ồn ào hòa lẫn với mùi thức ăn, khói bụi khiến bữa cơm không thực sự trọn vẹn. "Ăn ở đây ngon và rẻ nhưng cũng phải nhắm mắt bỏ qua vấn đề vệ sinh", một thực khách chia sẻ.
Tại khu vực Bệnh viện Kiến An và Bệnh viện Trẻ em, dịch vụ "ăn theo" bệnh viện như quán cơm, trông giữ xe mọc lên san sát. Các quán cơm, cháo..., thực đơn đa dạng, phong phú với mức giá dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/suất. Các suất cháo ở đây cũng đủ loại cho mọi người lựa chọn với mức giá từ 10.000 - 25.000 đồng/suất.
So với các quán cơm ở Bệnh viện Việt Tiệp, hàng quán bên Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tuy ít nhưng lại rộng rãi và sạch sẽ hơn. Tất cả đồ ăn được đựng trong khay và bảo quản trong tủ kính; bàn ghế sạch sẽ, người bán hàng đeo khẩu trang, găng tay, tạp dề khi phục vụ khách mua.
Một số người nhà bệnh nhân cho rằng, khi ra ngoài ăn là dịp họ tranh thủ hít thở không khí bên ngoài bệnh viện sau những giờ túc trực bên giường bệnh. Hơn nữa, thực đơn ở các quán ăn này cũng đa dạng hơn, giúp người nhà bệnh nhân không bị "ngán" khi phải ăn liên tục trong nhiều ngày.
Một số người chia sẻ, việc lựa chọn ăn ngoài cũng đi kèm với rủi ro về sức khỏe. Việc tiếp xúc với thực phẩm không đảm bảo vệ sinh có thể khiến người ăn đối mặt với nguy cơ ngộ độc, tiêu chảy, hoặc các bệnh về đường tiêu hóa.
Dịch vụ trông giữ xe xung quanh Bệnh viện Kiến An giá cả khá hợp lý, giá gửi xe máy là 5.000 đồng/xe/ngày, nếu gửi qua đêm là 10.000 đồng/xe... Tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, giá gửi xe máy nhỉnh hơn chút, 10.000 đồng/ngày.
Anh T.D.T (chủ một điểm trông giữ xe tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) cho biết, anh phải thuê địa điểm để kinh doanh dịch vụ trông xe nên giá có thể cao hơn chút. "Tuy nhiên, điểm trông xe của tôi đảm bảo cho mọi người về tài sản gửi kèm. Nếu mất, chúng tôi sẽ bồi thường hoàn toàn", anh T.D.T cho hay.
Anh H.V.H ở quận Kiến An chia sẻ: "Tôi ngại nhất việc gửi xe mỗi khi đi thăm người ốm. Dù bãi xe an toàn nhưng lượng xe đông đúc, rất khó tìm được chỗ đỗ xe nên nhiều lúc gửi ngay ngoài cổng cho nhanh". Về nguy cơ mất tài sản khi sử dụng dịch vụ gửi xe tự phát, anh H thừa nhận, chưa nghĩ tới tình huống rủi ro này.
Taxi, xe ôm, hàng quán lụp xụp bủa vây bệnh viện lớn ở Quảng Ninh
Tại Quảng Ninh, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngoài cổng bệnh viện chủ yếu liên quan vận chuyển, dịch vụ ăn uống.
Tuyến đường Tuệ Tĩnh trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vốn dĩ đã chật hẹp nay bị hàng loạt xe taxi, xe ôm nối hàng dài chiếm cả một làn đường, chèo kéo khách... gây mất trật tự an ninh khu vực và an toàn giao thông.
Theo một số hộ dân quanh khu vực đường Tuệ Tĩnh, nắm bắt được nhu cầu của người dân đến khám và điều trị tại bệnh viện cần phương tiện giao thông trung chuyển, đi lại nên dịch vụ taxi, xe ôm đã mọc lên như nấm.
Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đến tối muộn, bãi taxi hoạt động tấp nập, nhiều lái xe đứng hẳn ra đường chèo kéo, bấm còi inh ỏi gọi khách gây ách tắc giao thông. Theo người dân, có lần xe cứu thương chở người bệnh vào cấp cứu đã không thể di chuyển vì xe taxi đỗ tràn lan không đúng nơi quy định.
Dù tuyến đường này có biển cấm dừng nhưng không hiểu vì lý do gì, suốt một thời gian dài, taxi dừng đỗ "vô tổ chức", thường xuyên gây ùn tắc giao thông trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh mà các cơ quan chức năng không tiến hành xử lý, dẹp bỏ.
Không những vậy, khu vực này còn bị bãi giữ xe máy dưới lòng đường chiếm dụng, hàng quán lụp xụp bủa vây xung quanh, nhìn rất nhếch nhác, khiến nhiều người lầm tưởng là "chợ cóc".
Theo Sức Khỏe Và Đời Sống