Cô gái suýt đột tử do dùng thuốc tăng cân không rõ nguồn gốc

06-03-2024 09:23:18

Ngày 5/3, Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) đã đưa ra thông tin cảnh báo về tình trạng loạn nhịp gia tăng trong thời gian gần đây.

ThS.BS Trần Quốc Cường, Phó khoa Nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, chỉ trong thời gian ngắn gần đây bệnh viện đã liên tiếp tiếp nhận các trường hợp loạn nhịp, QT dài (rối loạn nhịp - PV). Đặc biệt, có bệnh nhân suýt đột tử khi chỉ mới 18 tuổi.

Theo đó, ca bệnh trẻ nhất là bệnh nhân nữ (18 tuổi). Bệnh nhân nhập viện ngày 23/1 trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Khai thác bệnh sử được biết, trước đó bệnh nhân có sử dụng 3 viên thực phẩm chức năng tăng cân, trong lúc tập văn nghệ tại trường bệnh nhân bỗng nhiên cảm thấy mệt, chóng mặt, hoa mắt. Ngay sau đó bệnh nhân té xuống và mất ý thức hoàn toàn, giãn đồng tử. Bệnh nhân đã nhanh chóng được sơ cứu tại trường và chuyển sang bệnh viện cấp cứu.

Cô gái suýt đột tử do dùng thuốc tăng cân không rõ nguồn gốc- Ảnh 1.
Cô gái suýt đột tử do dùng thuốc tăng cân không rõ nguồn gốc- Ảnh 2.

Bệnh nhân nữ 18 tuổi loạn nhịp sau uống thuốc giảm cân. Ảnh: BVCC.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được hồi sinh tim phổi nâng cao và chuyển qua khoa Hồi sức Tích cực Chống độc trong trạng thái hôn mê. 2 ngày sau bệnh nhân tỉnh và được chuyển qua khoa Nhịp tim để tìm nguyên nhân gây nên hội chứng QT dài.

Sau quá trình kiểm tra, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị hội chứng QT dài mắc phải do sử dụng thuốc thực phẩm chức năng tăng cân. Sau khi xác định và cho bệnh nhân ngưng thuốc thì QT của bệnh nhân đã ngắn lại và trở về bình thường.

Giữa tháng 2 vừa qua bệnh viện cũng đã tiếp nhận thêm 2 ca bệnh bị loạn nhịp do sử dụng thuốc mắc phải.

Theo đó, nam bệnh nhân 42 tuổi nhập viện khi xuất hiện nhiều cơn mất ý thức từ 1-2 phút kèm co giật. Khai thác bệnh sử cho thấy, bệnh nhân đang điều trị HIV và có sử dụng methadone (một trong những loại thuốc gây QT dài) để cai nghiện, xơ gan/ viêm gan do rượu, di chứng tai biến mạch máu não.

Do bệnh nhân co giật nên các bác sĩ đã chuyển bệnh nhân lên khoa Nội thần kinh để điều trị theo phác đồ động kinh. Tuy nhiên, tình trạng bệnh không thuyên giảm nên các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị rối loạn nhịp nên đã mời khoa Nhịp tim xuống hội chẩn.

Cô gái suýt đột tử do dùng thuốc tăng cân không rõ nguồn gốc- Ảnh 3.

Bệnh nhân 72 tuổi bị loạn nhịp đang điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: Phạm Thương.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có sử dụng thuốc Methadone gây QT dài. Đồng thời, ion đồ của bệnh nhân có nồng độ Kali rất là thấp. Đây là hai điều kiện thuận lợi gây ra QT dài cho bệnh nhân, nên có những ngày bệnh nhân xuất hiện những cơn ngất ngắn.

Sau đó, bệnh nhân đã nhanh chóng được bù điện giải và giảm liều thuốc cai nghiện xuống. Hiện tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân đã ổn định.

Trường hợp tiếp theo là cụ bà 72 tuổi có sử dụng thuốc cordarone để điều trị rối loạn nhịp. Đồng thời, bệnh nhân có tiền căn ung thư gan, rung nhĩ, viêm gan B, đái tháo đường type 2. Sau khi xác định và chẩn đoán bệnh nhân bị QT dài, các bác sĩ đã tiến hành cho bệnh nhân ngưng sử dụng thuốc cordarone và bù điện giải. Hiện bệnh nhân đã ổn định và được chuyển lên khoa K gan để tiếp tục điều trị.

TS.BS Trương Quang Khanh, Trưởng khoa Nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất cho hay, độ tuổi có thể phát hiện ra hội chứng QT dài là 14 tuổi nhưng cho tới nay ca bệnh 18 tuổi mắc hội chứng QT dài này là ca nhỏ tuổi nhất mà bệnh vịên từng tiếp nhận.

Theo đó, rối loạn nhịp hay còn gọi là QT dài có thể gây đột tử cho bệnh nhân. Thông thường, bệnh nhân bị loạn nhịp do 2 nguyên nhân chủ yếu đó là do bẩm sinh (di truyền trong gia đình) và do mắc phải. Nguy cơ mắc hội chứng QT dài ở phụ nữ cao hơn nam giới 2-3 lần.

Trưởng khoa Nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất cảnh báo, hội chứng QT dài mắc phải có liên quan tới vấn đề sử dụng thuốc hoặc rối loạn điện giải làm cho bệnh nhân rơi vào các cơn loạn nhịp gây đột tử.

Theo đó, các nhóm thuốc gây loạn nhịp như thuốc hướng thần, thuốc bao tử, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị loạn nhịp… Vậy nên, đối với trường hợp sử dụng thuốc cần theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau khi sử dụng thuốc nếu cảm thấy choáng váng thì cần cẩn thận và nhớ ngay tới hội chứng QT dài. Đo điện tim định kỳ cho bệnh nhân sủ dụng thuốc có khả năng gây QT dài.

Đối với các trường hợp có hội chứng QT dài rõ ràng hoặc nghi ngờ mắc phải hội chứng QT dài, gia đình từng có người bị QT dài thì cần được chuyển tới các trung tâm có chuyên khoa nhịp tim để tầm soát, đánh giá nguy cơ.

TIN CÙNG THỂ LOẠI