03-10-2023 14:30:14
Rạn da là hiện tượng thay đổi mô nâng đỡ đàn hồi nằm ngay dưới da, gây ra những vệt màu đỏ, tím, nâu sẫm (tùy thuộc vào màu da), ở một số vùng cơ thể như bụng, ngực, mông, hông, đùi, bắp chân.
Rạn da khá phổ biến ở phụ nữ mang thai, đặc biệt vào tam cá nguyệt thứ 3, với tỷ lệ từ 50 - 90% bà bầu mắc phải trước khi sinh. Rạn da không gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi nhưng thường mang lại một số cảm giác khó chịu như ngứa ngáy, mất thẩm mỹ.
Các vết rạn da nếu xuất hiện sẽ không biến mất sau khi sinh con. Tuy nhiên, theo thời gian chúng sẽ mờ dần, chuyển sang màu trắng nhạt và ít gây chú ý hơn.
Rạn da khi mang thai thường do hai yếu tố:
- Cân nặng tăng nhiều và nhanh chóng trong thời kỳ mang thai: Việc tăng cân nhanh chóng khiến cơ thể giãn nở nhanh hơn lớp da bao phủ. Da không đủ thời gian để thích ứng và điều chỉnh sẽ bị đứt, gãy... Các vết sẹo hình thành từ vết rách này gọi là vết rạn da. Bạn tăng cân càng nhanh, nguy cơ rạn da càng nhiều.
- Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ: Một số ý kiến cho rằng sự gia tăng hormon sẽ thu hút nhiều nước hơn vào da, làm giãn các liên kết giữa các sợi collagen, khiến da dễ bị rách khi kéo căng, gây ra các vết rạn.
Cho đến thời điểm này, chưa có biện pháp nào có thể giúp ngăn ngừa hoàn toàn rạn da khi mang thai. Cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ này là kiểm soát cân nặng, do hiện tượng này có xu hướng xuất hiện nhiều, nếu cân nặng tăng nhiều hơn mức tăng cân trung bình ở phụ nữ mang thai.
Việc kiểm soát cân nặng không đồng nghĩa với việc bạn phải ăn kiêng trong thai kỳ vì ăn kiêng sẽ không có lợi cho sức khỏe của mẹ và bé. Tuy nhiên, bằng chế độ ăn uống lành mạnh với lượng ăn phù hợp, bạn có thể khống chế sao cho cân nặng tăng từ từ và số cân tăng dao động trong khoảng từ 11-16 kg (đối với phụ nữ có cân nặng bình thường trước khi mang thai).
Bên cạnh việc duy trì cân nặng trong khoảng cho phép, tránh tăng cân quá nhiều hoặc quá nhanh, bạn nên thực hiện một số điều sau để giảm nguy cơ rạn da:
- Uống đủ nước: Uống nhiều nước giúp duy trì lượng nước ổn định trong cơ thể và độ ẩm cần thiết cho làn da do da khô có xu hướng rạn nhiều hơn da được cấp nước đầy đủ. Phụ nữ có thai được khuyến cáo nên bổ sung khoảng 3 lít chất lỏng mỗi ngày từ thức ăn và đồ uống.
- Bổ sung các thành phần có lợi cho làn da: Vitamin E, vitamin C, vitamin B2 (Riboflavin), vitamin B3, vitamin D, kẽm, silice…
- Vận động nhẹ nhàng: Tập các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp giúp lưu thông máu, cải thiện tuần hoàn, giúp da căng và đàn hồi hơn, đồng thời giảm nguy cơ bị giãn tĩnh mạch, sưng phù chân trong thai kỳ.
- Sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm để giữ làn da mềm mại: Các loại dầu dưỡng và kem chống rạn chưa được chứng minh là có khả năng ngăn ngừa rạn da. Tuy nhiên, việc sử dụng kem dưỡng ẩm có thể giữ cho làn da có độ ẩm cần thiết, mềm mại hơn vì da khô sẽ dễ bị rạn hơn.
Khi lựa chọn sản phẩm dưỡng da để bôi lên bụng, bạn nên chọn những sản phẩm lành tính, được đánh giá là an toàn cho thai nhi. Bên cạnh đó, cần lưu ý là không nên bôi kem, dầu dưỡng trước khi siêu âm 2-3 ngày vì lớp kem và dầu lưu lại trên da có thể ảnh hưởng đến kết quả siêu âm bụng.
Các vết rạn da khi mang thai sẽ mờ dần theo thời gian. Để khắc phục tình hình, bạn có thể tham khảo một số biện pháp sau:
Tính hiệu quả của các phương pháp này rất khác nhau tùy theo cơ địa da của từng người. Vì vậy, bạn nên trao đổi với bác sĩ da liễu sau khi sinh con để có được liệu trình điều trị an toàn, phù hợp.