10-07-2025 10:13:05
Trong độ tuổi học đường, đặc biệt từ 6 đến 15 tuổi, trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ cả về thể chất lẫn trí tuệ. Do đó, nhu cầu năng lượng và vi chất dinh dưỡng như sắt, canxi, kẽm, vitamin D, A, B12… tăng cao. Việc ăn uống không đầy đủ dinh dưỡng hoặc thói quen ăn uống lệch lạc sẽ khiến trẻ bị thiếu chất và rơi vào tình trạng dù ăn “nhiều” nhưng không “đủ”.
Thiếu hụt dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển của học sinh. Ảnh: Linh Trang.
1. Không tăng cân hoặc chững chiều cao dù ăn uống không giảm
Nếu trẻ không tăng cân liên tục trong vòng 3-6 tháng, hoặc thấp bé hơn bạn đồng trang lứa thì đó có thể là dấu hiệu đầu tiên. Tình trạng này cho thấy cơ thể không hấp thu đủ năng lượng hoặc thiếu các vi chất kích thích tăng trưởng như kẽm, vitamin D, canxi. Trong một số trường hợp, trẻ có thể ăn tốt nhưng bị rối loạn tiêu hóa mãn tính, kém hấp thu, khiến dưỡng chất không được sử dụng hiệu quả.
2. Mệt mỏi, uể oải, giảm tập trung
Khi đi học, trẻ thường xuyên uể oải, thiếu tỉnh táo, mất sức khi học bài và khó duy trì sự tập trung khi tiếp thu kiến thức thì đây có thể là hậu quả của thiếu sắt, thiếu vitamin B12 hoặc đơn giản là không đủ năng lượng cho một ngày dài vận động. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập và khả năng tiếp thu kiến thức mới của trẻ.
3. Da, tóc, móng có dấu hiệu bất thường
Da trẻ nhợt nhạt, môi nhạt màu, thường xuyên bị tróc da đầu ngón tay, hay nổi mẩn đỏ quanh miệng là những biểu hiện cho thấy thiếu vitamin A, C, B2 hoặc kẽm. Nếu tóc trở nên mỏng, dễ gãy, mất độ bóng, có thể trẻ đang thiếu protein hoặc các acid béo thiết yếu. Móng tay giòn, có vết trắng hoặc lõm xuống như “muỗng” cũng là dấu hiệu thiếu sắt.
4. Suy giảm hệ miễn dịch
Thiếu vitamin C, D, A và kẽm có thể khiến hệ miễn dịch của trẻ hoạt động kém hiệu quả. Hệ quả là trẻ dễ bị viêm họng, cảm cúm, viêm phế quản, tiêu chảy tái đi tái lại dù không tiếp xúc nhiều với môi trường lây nhiễm. Đặc biệt, nếu sau mỗi đợt bệnh trẻ xuống cân, mệt mỏi kéo dài và khó hồi phục, cần nghi ngờ vấn đề dinh dưỡng nền.
5. Trẻ hay cáu gắt, dễ buồn bã, thay đổi tâm trạng
Nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh) phối hợp với tổ chức Mental Health Foundation UK thực hiện cho thấy trẻ em có chế độ ăn thiếu dưỡng chất, đặc biệt thiếu omega-3, sắt và kẽm dễ rơi vào trạng thái trầm cảm nhẹ, lo âu hoặc có hành vi hung hăng hơn nhóm được bổ sung đầy đủ. Đặc biệt, trẻ trong độ tuổi dậy thì thiếu chất còn dễ có biểu hiện “nổi loạn”, thiếu kiểm soát cảm xúc.
6. Khó ngủ, hay giật mình ban đêm
Thiếu canxi, magiê, vitamin D không chỉ ảnh hưởng đến xương mà còn làm rối loạn giấc ngủ. Trẻ có thể khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, dễ giật mình hoặc thức dậy giữa đêm và không ngủ lại được. Điều này khiến trẻ thiếu năng lượng vào ban ngày, làm giảm hiệu suất học tập và tăng nguy cơ mắc bệnh.
Hãy quan sát trẻ để nhận biết những dấu hiệu thiếu hụt dinh dưỡng. Ảnh: Minh Huệ.
Có nhiều nguyên nhân khiến học sinh rơi vào tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, trong đó phổ biến là thói quen ăn uống mất cân đối. Nhiều trẻ ăn quá nhiều tinh bột và đường như cơm, mì, bánh kẹo nhưng lại tiêu thụ rất ít rau xanh, thịt, cá, trứng và sữa. Thực đơn hàng ngày của không ít gia đình cũng khá đơn điệu, lặp đi lặp lại, ít thay đổi món ăn hay nhóm thực phẩm, dẫn đến sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng theo thời gian mà phụ huynh khó nhận ra.
Bên cạnh đó, nhiều trẻ có thói quen ăn uống không lành mạnh như bỏ bữa sáng, ăn vặt thay cơm, ưu tiên các món chiên rán, thức ăn nhanh hoặc nước ngọt có gas đều những lựa chọn khiến năng lượng rỗng tăng cao nhưng lại rất không đủ dinh dưỡng. Ngoài yếu tố ăn uống, một số trẻ còn gặp vấn đề về sức khỏe nền như nhiễm giun sán, rối loạn tiêu hóa, dị ứng thực phẩm hoặc hội chứng kém hấp thu, khiến cơ thể dù ăn đủ vẫn không nhận được lượng dưỡng chất cần thiết.
Dinh dưỡng học đường không chỉ đơn thuần là “ăn đủ”, mà quan trọng hơn là “ăn đúng” và “ăn cân đối”. Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu thiếu hụt dinh dưỡng, cha mẹ cần theo dõi cân nặng, chiều cao định kỳ và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cần xét nghiệm vi chất. Đồng thời, hãy xây dựng khẩu phần ăn đa dạng, ưu tiên thực phẩm tươi như sữa, trứng, cá, rau xanh và trái cây. Hạn chế đồ ăn nhanh, nước ngọt, và khuyến khích trẻ vận động, ngủ đủ giấc để tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng.
Theo Sức khỏe và đời sống