4 giai đoạn bắt buộc phải thăm khám để thai kỳ khỏe mạnh

04-10-2023 08:45:37

Phụ nữ mang thai hãy khám thai định kỳ ít nhất 4 lần và sinh đẻ tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con là một trong những thông điệp của Bộ Y tế phát đi trong Tuần lễ làm mẹ an toàn 2023.

Các dấu mốc cần khám thai

Theo tài liệu Thông điệp truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, khám thai lần đầu ngay khi chậm kinh, trong vòng 3 tháng đầu: Để xác định có thai hay không; Để hẹn lịch khám thai tiếp theo và lịch tiêm phòng uốn ván; Được kiểm tra sức khỏe của mẹ; Được tư vấn các xét nghiệm cần thiết nhằm phát hiện và dự phòng các bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con (như giang mai, viêm gan B, HIV…), sàng lọc tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ; Được tư vấn về sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện bất thường ở thai nhi.

4 giai đoạn bắt buộc phải thăm khám để thai kỳ khỏe mạnh - Ảnh 2.

Phụ nữ mang thai hãy khám thai định kỳ ít nhất 4 lần và sinh đẻ tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.

Khi có thai, người phụ nữ bắt buộc phải thực hiện khám thai ở 4 thời điểm để có thai kỳ khỏe mạnh và an toàn:

Khám thai lần đầu ngay khi chậm kinh, trong vòng 3 tháng đầu: Để xác định có thai hay không; Để hẹn lịch khám thai tiếp theo và lịch tiêm phòng uốn ván; Được kiểm tra sức khỏe của mẹ; Được tư vấn các xét nghiệm cần thiết nhằm phát hiện và dự phòng các bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con (như giang mai, viêm gan B, HIV…), sàng lọc tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ; Được tư vấn về sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện bất thường ở thai nhi.

Khám thai lần thứ hai vào 3 tháng giữa của thai kỳ (từ tháng thứ 4 đến đủ 6 tháng): Để kiểm tra xem thai có phát triển bình thường không; Để theo dõi sức khỏe của mẹ và sàng lọc đái tháo đường thai kỳ.

Khám thai lần thứ ba và lần thứ tư vào 3 tháng cuối của thai kỳ: Để theo dõi sức khỏe của bà mẹ và sự phát triển của thai nhi; Được tư vấn dự kiến ngày sinh; Được tư vấn chuẩn bị cho cuộc đẻ và lựa chọn nơi sinh.

Khi có dịch bệnh, phụ nữ mang thai cần giữ đúng lịch khám thai và cần gọi điện đặt lịch khám để giảm thời gian chờ và tránh tiếp xúc với nhiều người. Phụ nữ mang thai cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh khi đi khám thai trong thời gian có dịch bệnh.

Lợi ích của khám thai định kỳ

Trong quá trình mang thai, sức khỏe của người mẹ có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi, cũng như việc sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc con sau này. Người phụ nữ cần có thêm những thông tin, kiến thức cần thiết nhất để có thể tự chăm sóc mình và thai nhi; hay những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi để có thể phòng tránh. Vì vậy, khám thai định kỳ là điều nên làm.

Khám thai định kỳ sẽ giúp cho người mẹ cũng như bác sĩ biết được thai nhi trong giai đoạn thai nghén có phát triển bình thường hay dị tật gì hay không, có nguy cơ bệnh tật xuất hiện trong thời kỳ mang thai hay không (cao huyết áp, tiểu đường…), chế độ dinh dưỡng đã hợp lý chưa, cần bổ sung những khoáng chất gì..

Ngoài ra, người mẹ cần có thêm những thông tin, kiến thức cần thiết nhất để có thể tự chăm sóc mình và thai nhi; hay những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi để có thể phòng tránh. Do vậy, khám thai định kỳ là điều nên làm.

Việc khám thai sẽ giúp thai phụ chủ động trong việc theo dõi và kiểm soát tình trạng sức khỏe của mẹ, nắm được những giai đoạn phát triển của trẻ, phát hiện sớm bệnh lý di truyền, dị tật, xử lí kịp thời những biến chứng khi mang thai, tạo cơ sở cho trẻ ra đời an toàn, khỏe mạnh.

Vì sao phải sinh con ở cơ sở y tế?

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, nơi đẻ an toàn là cơ sở y tế. Tại cơ sở y tế, thai phụ được những người có chuyên môn đỡ đẻ và chăm sóc; Có phòng đẻ sạch với dụng cụ đỡ đẻ tiệt trùng, tránh được nhiễm khuẩn gây bệnh cho mẹ và con; Phát hiện sớm các tai biến và cấp cứu kịp thời; Có sẵn thuốc, phương tiện cấp cứu khi cần thiết; Được tư vấn về cách chăm sóc mẹ và con, về kế hoạch hóa gia đình sau sinh.

Đối với những bà mẹ mang thai "có yếu tố nguy cơ" (phát hiện qua các đợt khám thai) thì nhất thiết phải đến đẻ tại cơ sở y tế. Nếu thấy "có nguy cơ" nên chủ động sắp xếp chọn cơ sở y tế thích hợp, thí dụ: Nếu đã có vết mổ đẻ cũ thì phải đến thẳng cơ sở y tế có đủ điều kiện phẫu thuật mà không cần qua các đơn vị chuyển tuyến trung gian như: trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực...

Ngoài ra những trường hợp chưa phát hiện "có nguy cơ" cũng vẫn nên đến đẻ tại các cơ sở y tế vì ngay trong lúc chuyển dạ đẻ và sau đẻ cũng vẫn có thể xuất hiện "nguy cơ" mà ta không thể biết trước được.Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi đi đẻ, thai phụ và người nhà cần chuẩn bị tiền, đồ dùng cho cả mẹ và con, thẻ bảo hiểm y tế, giấy tờ tùy thân (chứng minh thư, căn cước công dân…), Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ - trẻ em hoặc Sổ khám thai, quần áo, khăn, tã lót, mũ, tất (vớ), giấy vệ sinh, cốc (ly), thìa (muỗng)… Đến gần ngày sinh nên ở nhà, không đi đâu xa.

Đồ dùng cho mẹ gồm 1 bộ quần áo cho mẹ mặc khi xuất viện. Trong thời gian lưu lại ở bệnh viện, mẹ sẽ được nhân viên y tế phát quần áo để thay hằng ngày. Bàn chải, kem đánh răng, nước súc miệng. Khăn lau mặt, khăn tắm. Lược, kẹp/buộc tóc. Quần lót, nên sử dụng quần lót giấy hoặc các loại quần lót sử dụng 1 lần. Mẹ cần chọn size quần vừa với bản thân.Băng vệ sinh loại lớn dùng cho mẹ đi sanh và băng vệ sinh loại thông thường dùng vào những ngày chưa chuyển dạ  hoặc sau sinh khi tình trạng ra huyết đã giảm. Áo lót loại co giãn, thoáng, loại cho con bú

Túi đồ dùng cho trẻ: Quần áo cho trẻ sơ sinh khoảng 5 - 7 bộ. Khi em bé vừa chào đời, bệnh viện sẽ phát và mặc cho bé 1 bộ đồ đã tiệt khuẩn gồm: mũ, áo, tã, bao chân, khăn quấn. Tã sơ sinh loại miếng lót sơ sinh + tã vải hoặc tã dán sơ sinh. Khăn sữa nhỏ để lau mặt, lau mắt, lau đờm dãi cho bé. Khăn tắm to, khăn quấn bé, nên chọn loại khăn mềm khổ lớn để giúp giữ ấm cho con. Giấy ướt, nước muối sinh lý và các vật dụng khác.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Y tế hướng dẫn triển khai Tuần lễ Làm mẹ an toàn 2023 trong khuôn khổ Dự án 7 - Chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 diễn ra từ ngày 01/10 đến ngày 07/10/2023 tại 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.




Nguồn: https://suckhoedoisong.vn

TIN CÙNG THỂ LOẠI